Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kỷ luật cán bộ liên quan đến gian lận thi cử

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh không chấp nhận những cán bộ, giáo viên có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh đứng trong hàng ngũ của ngành.

Đề nghị địa phương xem xét kỷ luật cán bộ vi phạm

Nhiều học sinh có điểm thi được nâng khống là con em cán bộ, lãnh đạo trong tỉnh, đặc biệt là trong ngành giáo dục đang khiến dư luận bất bình.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực, khách quan.

"Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GDĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành", Bộ trưởng chia sẻ.

Từ đó, lãnh đạo Bộ GDĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này.

Về vấn đề buộc thôi học hay cho tiếp tục học tập đối với những thí sinh được nâng điểm khống, Bộ trưởng cho hay:

Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.

Các trường có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ.

"Vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này", người đứng đầu ngành Giáo dục bày tỏ. 

Thí sinh có người nhà làm trong ngành Giáo dục Sơn La được nâng điểm thi. Ảnh: Đặng Chung

Quan trọng nhất vẫn là người thực hiện

Để kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ trưởng Nhạ thông tin đã quán triệt với cán bộ trong ngành và những cán bộ của các cấp, ngành, địa phương tham gia vào công tác làm thi kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học:

Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn của ngành Giáo dục, mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội. Do đó, việc tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học phải đặc biệt được coi trọng để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, công bằng, chính xác.

Những “lỗ hổng” về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia 2018 hiện đã được khắc phục. Bộ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức thi; nâng cấp các phần mềm để phòng ngừa, ngăn chặn và hỗ trợ phát hiện gian lận trong quá trình chấm thi.

"Kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến.

Do đó, Bộ đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo Lao động