Áp lực tăng trưởng & sức chứa của Huế

Làm gì để tăng lượng khách là vấn đề đang được ngành du lịch Huế và các đơn vị liên quan “rốt ráo” thực hiện. Nhưng có một chỉ số khác chưa được tính đến là sức chứa tối đa của Huế sẽ là bao nhiêu cho sự phát triển an toàn và bền vững.

Nếu sức chứa vượt ngưỡng sẽ làm hư hại cảnh quan, di tích...

Sức ép & sức chứa

Một giám đốc doanh nghiệp du lịch ở Huế phân tích, để nói Huế phát triển về lượng khách hay không thì cần lấy chỉ số của Huế so sánh với chỉ số tăng trưởng của cả nước và hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lý do? Huế là điểm đến thứ cấp, tức là trước khi khách đến Huế thì phải đến hai đầu trước. Mặt khác, nếu là khách đi theo tour, khi đến Huế đa số do các hãng lữ hành lớn hai đầu đưa về, doanh nghiệp Huế chỉ nối tour. Lượng khách đến Huế đã được tính trong tổng lượng khách của cả nước. Do đó, chỉ khi chỉ số tăng khách ở Huế cao hơn so với hai đầu và chung cả nước mới chứng tỏ du lịch Huế tăng trưởng.

Sáu tháng đầu năm 2017, dư luận rất quan tâm khi lượng khách đến Huế có tăng nhưng không đáng kể. “Xôn xao” với con số tăng trưởng cũng dễ hiểu bởi khi đánh giá sức hút của điểm đến thì chỉ số tăng trưởng lượng khách luôn được đặt lên đầu tiên, rồi mới tính đến số ngày, mức chi tiêu. Áp lực tăng lượng khách đối với Huế càng lớn hơn khi chỉ tiêu hàng năm phải đạt trên 2 con số. Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy cuối năm 2016 cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút trên 5 triệu lượt khách, khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt; đến năm 2030 thu hút hơn 7 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt.

Huế cần thu hút hơn dòng khách có mức chi tiêu lớn

Có nhiều ý kiến cho rằng, với những gì mà Huế đang có thì lượng khách đó đã đạt ngưỡng sức chứa. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Huế, phân tích: “Theo tôi, không nên quá đặt nặng vấn đề bao nhiêu lượng khách đến Huế mà xem ai sẽ đến Huế và họ “ứng xử” với điểm đến như thế nào. Với nền tảng văn hóa thì Huế gần như hết sức tải, đã đạt ngưỡng. Di tích Huế cần phải được nghỉ ngơi, phục hồi một cách tự nhiên. Nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt năng lượng thì sẽ càng nhanh hư hỏng hơn. Xét về khía cạnh kinh tế, với nguồn thu từ khai thác du lịch có bằng kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích?”.

Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, trong phát triển du lịch, sức chứa luôn được tính toán rất kỹ lưỡng. Sức chứa tối đa cho phép một khu du lịch, điểm du lịch trong một thời gian, không gian nhất định, đón bao nhiêu khách thì sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan, cơ sở hạ tầng không bị quá tải. Ở các quốc gia có di sản như Huế, họ luôn có sự hạn chế về lượng khách, tính đến từng bước đi của khách. Trong vòng một ngày, điểm du lịch chịu lực của bao nhiêu bước chân, độ rung bao nhiêu là vừa phải. Nếu vượt qua sức chứa tối đa sẽ dẫn đến các “xung đột” mà nhìn bằng mắt sẽ không thấy được.

Ở nhiều nơi, khi vào tham quan một điểm du lịch nào đó sẽ có sự hạn chế về số lượng khách. Quy định thời gian duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, sửa chữa, xây mới các công trình phục vụ… Nếu Huế cứ “theo đuổi” về số lượng, năm sau cao hơn năm trước bằng 2 con số, trong khi đó, ngưỡng chứa có giới hạn sẽ xảy ra tình trạng phát triển không bền vững, làm hư hại cảnh quan, di tích. Vấn đề này nhiều địa phương đã vấp phải vì sự phát triển “quá nóng”.

Hoàn thiện điểm đến

Với Huế, ngưỡng sức chứa khách bao nhiêu chưa được xác định. Điều này cần ngành du lịch có những nghiên cứu trong thời gian sớm để có những định hướng phát triển phù hợp và bền vững. Đối với sự phát triển của du lịch cũng như phát triển của một thành phố, với tốc độ tăng dân số thì diện tích của thành phố sẽ được mở rộng để phù hợp.

Ông Trần Đình Minh Đức cho rằng, khi tính được ngưỡng sức chứa thì bắt đầu lọc nguồn khách. Thay vì thu hút tất cả các dòng khách, nên tập trung kích cầu và đón những dòng khách có chi tiêu cao hơn. Điều này rất phù hợp với Huế khi dòng khách mà lâu nay du lịch theo đuổi có mức chi tiêu cao: châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Tăng nguồn thu hơn so với tăng số lượng khách chính là xu hướng phát triển du lịch trên thế giới hiện nay.

Chưa có con số ngưỡng sức chứa khách của du lịch Huế là bao nhiêu

Để hoàn thành chỉ tiêu tăng nguồn thu, để "lấy" được tiền của khách thì phải kiện toàn lại sản phẩm, chất lượng dịch vụ phải tốt, tương xứng với số tiền mà khách bỏ ra. Hơn thế, có một chỉ tiêu khác trong phát triển du lịch mà Huế cần giải quyết tốt hơn, đó là một điểm đến hoàn thiện. Điểm đến tốt phải hấp dẫn và tiện nghi, thể hiện qua cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ vận chuyển; dịch vụ khách sạn, đa dạng dịch vụ, điểm mua sắm, vui chơi, giải trí… Nhu cầu tham quan chỉ là một trong yếu tố đưa khách đến với Huế.

Ông Vũ Hoài Phương góp ý, ngoài tăng mức chi tiêu thì tăng lượng khách cùng phải thực hiện song song. Điều cần làm của Huế hiện nay là có một quy hoạch thật tốt, một chiến lược có tính dài hơi và lường được những gì sẽ đến trong 5 năm, 10 năm, 20 năm và lâu hơn thế. Và Huế có thể mất 5 - 10 năm để xây dựng, đừng quá “nóng ruột” mà đi chệch hướng. "Cần khai thác những khu vực khác, với thành phố, lượng khách ngang đó là vừa phải. Điều cần làm nữa là Huế cần một ông lớn, đóng một cái “cọc” thật lớn và xung quanh có những cọc nhỏ, lỡ có  “sóng gió” thì cái cọc đó vẫn đứng yên", ông Phương ví von.

Huế có nhiều không gian để hình thành những sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhưng chưa được quy hoạch cụ thể nên rất khó thu hút doanh nghiệp. Như  trong nội đô thành phố, cần có quy hoạch cụ thể, kiểu như khu vực A dành cho ẩm thực, khu B dành cho nghệ thuật, khu C để xây dựng khu vui chơi giải trí… Kêu gọi đầu tư mà không quy hoạch sẵn, doanh nghiệp lại phải “loay hoay” xin phép thì khó có những đầu tư tốt.

Theo thuathienhueonline