"Mượn" bưởi rừng để nhân giống cam quý

 Việc phát triển kỹ thuật ghép cam mới từ gốc bưởi rừng nhằm duy trì, bảo tồn nguồn giống cam quý và cho giống cam với tuổi đời khai thác lâu dài ở Nam Đông.

Mượn gốc cây từ rừng

Ông Bùi Quang Tý, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Nam Đông cho rằng, chuyện chiết cành trên cây cam để nhân giống cây ăn quả nay đã “lạc hậu” khi người dân các xã Hương Hòa, Hương Phú, Hương Lộc… đã tiếp cận được kỹ thuật ghép cam mới từ gốc cây bưởi rừng. Bưởi rừng với đặc tính trái chua, đắng nên không có giá trị, nhưng đổi lại, như được “trời phú”, gốc cây này lại chống chịu sâu bệnh tốt, bộ rễ khỏe nên khi ghép với cam, thanh trà, quýt… cây mới ra đời ít sâu bệnh, có tuổi đời khai thác lâu hơn loài cây cam chiết cành.

Cam Nam Đông cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Tý dẫn chúng tôi thăm vườn ươm của Tổ hợp tác gieo ươm giống cây ăn quả Hương Hòa. Tại đây, những nông dân, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đã trở thành những “nghệ nhân” thực thụ khi tiến hành ghép cam từ gốc bưởi rừng.

Năm 2014, khi có đề án phát triển và xây dựng thương hiệu cây cam Nam Đông, kỹ thuật ghép cam mới từ gốc bưởi rừng đã được chuyển giao, phổ cập cho bà con. Ông Diệp Minh Khanh (thôn 10, xã Hương Hòa), một “thợ” ghép cam cho biết, thông thường, dưới mỗi cây bưởi rừng, có rất nhiều hạt từ trái bưởi rụng tự nhiên. Người dân đi nương rẫy mang hạt về ươm cây phát triển được khoảng 4-5cm thì bắt đầu cho vào bầu. Khi cây đạt khoảng 6-7 tháng tuổi (khoảng 10cm), người ghép có thể chọn những mầm cam, bưởi da xanh, quýt… khỏe mạnh để cắt và ghép vào gốc bưởi.

Trong quá trình ghép, người trồng có thể sử dụng thuốc bôi để giữ cho mắt ghép không bị hỏng. Sau khi đã “liền da” khoảng 15 ngày, gốc cây bưởi sẽ được cắt ngọn để mầm ghép phát triển trở thành một cây mới. Gốc cây bưởi rừng bây giờ chỉ còn tận dụng bộ rễ. Quá trình ươm gốc bưởi, ghép mầm cam diễn ra khoảng 1 năm, khi cây đã khỏe (2,5 tháng sau khi ghép mầm), người trồng đưa ra khỏi bầu để trồng ở vườn.

“Đặc điểm ghép theo kỹ thuật này đảm bảo gốc cây bưởi rừng khỏe mạnh, gen cây ghép mới không bị thay đổi và gốc cây mới có tuổi thọ cao hơn từ 25-30 năm”, ông Khanh nói.

Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết, hiện tại trên địa bàn xã trồng khoảng 52 ha cam và một số diện tích quýt, bưởi da xanh. Trong đó, có khoảng 40 ha trồng theo đề án phát triển cam của huyện, số còn lại là diện tích cam người dân trồng trước khi có đề án. Năm 2018, người dân đã đăng ký trồng thêm 5ha, hiện tại địa phương đang tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp kém hiệu quả và vườn tạp để chuyển đổi sang trồng cam.

Vươn tới giấc mơ thương hiệu

Ông Bùi Quang Tý thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, đối với cây ăn quả trên địa bàn huyện thì cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Năm 2014, với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất, chủ trương của Nam Đông là thành lập đề án phát triển cây cam. Kế hoạch 2015-2020, huyện xác định cây cam là một trong những cây trồng chủ lực với tổng diện tích cây cam trồng mới khoảng 300-400 ha. Trước khi có đề án, diện tích cây cam người dân tự trồng khoảng 70 ha. Trong đó, có 4-5 trang trại lớn có diện tích bình quân từ 3-4ha/vườn cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã trồng thêm được 130 ha cam (riêng năm 2018 trồng được 50 ha). Dự kiến trong thời gian tới trồng thêm 200 ha để đạt mục tiêu đề ra của đề án phát triển cây cam trên địa bàn.

Theo ông Tý, để tiến tới xây dựng vườn cam với diện tích ổn định khoảng 400 ha trên địa bàn, UBND huyện Nam Đông đã tiến hành hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón và cứ bình quân 1 ha cam, người dân sẽ được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng/hộ. Trồng cây cam đòi hỏi trình độ thâm canh kỹ thuật cao so với các loại cây khác nên các cấp ngành của huyện đã xác định cần tăng cường công tác trang bị, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, ươm cây cho người dân trong giai đoạn đưa vào sản xuất bước đầu để nâng cao chất lượng cây giống khi đưa vào trồng. Trong đó, tập trung tập huấn kỹ thuật cho các hộ sản xuất điển hình để truyền đạt lại cho người dân.

Năm 2019- 2020, khi cây cam đã đi vào sản xuất đại trà, bắt đầu cho khai thác, địa phương sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã để quản lý và phát triển cây cam. Xây dựng cây cam Nam Đông thành thương hiệu mạnh về cây ăn trái của tỉnh.

Việc phát triển cây cam đã thực sự mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu cây cam về mặt lâu dài, địa phương cần bố trí diện tích đất phù hợp và cần chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng cam nòng cốt để phổ biến cho người dân tham gia mô hình hiệu quả hơn.

Theo đề án phát triển cây cam Nam Đông, năm 2020, diện tích cây cam trên địa bàn huyện đạt khoảng 400ha, trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, sản lượng 1ha/chu kỳ kinh doanh đạt 140 tấn, tổng sản lượng của dự án trong 1 chu kỳ đạt 56.000 tấn cam quả. Với giá thấp nhất tại vườn là 15 triệu đồng/tấn, có doanh thu 1ha cam bình quân 175 triệu đồng/ha/năm, tổng doanh thu 1ha của một chu kỳ 12 năm đạt 2,1 tỷ đồng. Giá trị gia tăng của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp.

Theo Thừa Thiên Huế online