“Theo” cá vượt lũ

Đêm dần khuya, lúc ai nấy quây quần trong ngôi nhà ấm áp thì những người “theo” cá vượt lũ ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), lặng lẽ ngược mưa đến chiếc chòi canh dập dềnh trên mặt phá, giữa tứ bề gió Tam Giang rét mướt.

 

Ngư dân Thuận An chăm sóc cá vượt lũ

Thấp thỏm trên chiếc chòi canh

Mới 6 giờ chiều, nhưng ngày mưa rét nên đã tối đặc. Trong tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An, nhà nào nhà nấy cửa đóng kín, ngăn cái rét mướt theo cơn gió từ phá lùa vào từng cơn. Mưa ràn rạt. Nhìn kim đồng hồ nhích dần đến con số 7 giờ 30, sau một hồi phân vân, lưỡng lự, anh Hà Văn Thạnh quyết định không chờ đến giờ xem chương trình thời sự yêu thích, mặc thêm chiếc áo ấm dày sụ, mở hé cửa lách ra hiên nhà, trùm chiếc áo mưa. Đã quá quen với cảnh chồng lọ mọ đội mưa đội rét “ôm mền” một mình ra chòi canh trên phá, nhưng người vợ vẫn tần ngần đứng ngó theo cái dáng cắm cúi ngược mưa gió. Đến mép nước, anh Thạnh lúi húi mở dây neo, bước lên con thuyền nhỏ tròng trành. Đằng xa, chiếc chòi canh nhỏ nhoi trên bè cá, càng bé nhỏ trong đêm tối, giữa tứ bề gió, rét.

 “Có một số loài thủy sản sống được trong môi trường nước phù sa mùa lũ lụt, nên nuôi cá lồng hoặc cá ao hồ vượt lũ, ngư dân đảm bảo thu nhập quanh năm. Nhưng đã “theo” con cá vượt lũ là đồng thời phải chấp nhận mất rất nhiều thời gian cho “nó” và đối mặt với không ít gian truân”. Anh Thạnh mở đầu câu chuyện: Đó là đêm nối đêm, nhà không được ngủ, một mình một chòi canh. Chiếc chòi canh tạm bợ trong thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn, có thể gây nguy hiểm. Thế nhưng, mối lo ngại lớn nhất đối với những người canh cá lồng lại là nạn trộm, thậm chí cướp cá ngay trước mắt.

“Chúng tôi đưa những lồng cá đã lớn vào giữa. Những lồng cá còn nhỏ xếp bao quanh. Cất kỹ như vậy rồi nhưng vẫn không thoát khỏi mánh khóe tinh vi của kẻ gian. Ban ngày họ giả vờ đi bủa lưới để do thám. Khi chúng tôi cho cá ăn, họ sẽ xác định, ghi nhớ vị trí nào có cá quẫy mạnh (cá to quẫy mạnh), chờ đến tối ra tay trộm cắp. Gia đình tôi có 12 lồng cá, từng bị kẻ cắp lôi đi nơi khác nguyên 1 lồng gần đến ngày thu hoạch, trị giá 60 triệu đồng. Xẻ lồng, xúc cá không hết, họ dận lồng xuống đáy nước. Khi chúng tôi tìm được, lồng lưới đã chẹp lại nên số cá còn trong lồng cũng chết hết. Vốn bỏ ra đã đành, nghĩ đến hàng ngày ngồi xắt nhỏ hàng tạ thức ăn vừa còm cả lưng, vừa “nát” bàn tay, biết bao mồ hôi công sức, đau xót lắm”. Chị Mai Thị Khị ở tổ dân phố Hải Tiến không nén nỗi buồn kể. Đáng sợ nhất là những trường hợp, dù chạm mặt, nhưng do kẻ gian táo tợn, mang theo hung khí, đe dọa và sẵn sàng manh động, nên khổ chủ đành bất lực đứng nhìn tài sản, mồ hôi của mình bị cướp ngay trước mắt.

“Lộc” từ đôi tay

Trong tổ dân phố Hải Tiến, hộ ông Nguyễn Văn Tân “nổi tiếng” nhất bởi cả hai vợ chồng tối nào cũng để lại “vườn không, nhà trống”, cửa đóng then cài. Con cái đã lớn, lập gia đình ở riêng, không còn bận bịu chăm sóc ai nên vợ chồng cùng ra chòi, đêm hôm giữa phá mênh mông có “tiếng người” cho “khí thế”. Vậy nhưng, hễ lần nào “bắt tận tay”, thì lần đó đôi vợ chồng già bị kẻ gian ngang nhiên “qua mặt”. Những kẻ trộm cá sức thanh niên, trai tráng. Vợ chồng ông già cả, lại đêm hôm nên đâu dám làm gì. “Cũng sợ sau ni tụi hắn xẻ lồng trả thù nên tui chỉ biết “nhè nhẹ” nói, cá bây xúc, hai vợ chồng tau lấy chi ăn. Tụi hắn chẳng cần trả lời, cứ việc xúc đầy ghe, xong mới bỏ đi”. Ông Tân kể.

Thị trấn Thuận An là địa phương nuôi nhiều cá lồng vượt lũ, tập trung ở các tổ dân phố Hải Tiến, Hải Bình, An Hải, Minh Hải, Hải Thành. Các đối tượng trộm “nhắm” vào “vựa” cá, càng “nặng” nỗi gian nan của ngư dân. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An và ông Lê Văn Tuất, Bí thư Chi bộ thôn Hải Tiến, sau một số vụ bị công an bắt, các thủ phạm bị tòa án xử phạt tù, tình hình trộm cá ở thị trấn Thuận An giảm, nhưng nỗi lo vẫn thấp thỏm trong những đêm ngư dân ra chòi giữ cá.

Ở các tổ dân phố Tân An, Diên Trường, Tân Mỹ, một bộ phận ngư dân nuôi cá vượt lũ trong ao, hồ. Những hồ nuôi san sát nhau, đèn điện sáng đê, trộm cắp khó bề xâm nhập. Nhưng đã nuôi cá vượt lũ, ngư dân “chấp nhận” nỗi lo, khi thời tiết quá bất thường, lũ lụt lớn quá, nước tràn đê, có thể hư đê, sẩy lưới, cá ra ngoài, trôi ra biển thì cầm chắc thiệt hại nặng nề. Hoặc lụt kéo dài, xả lũ, nước tràn vào ngọt hóa, lắng độ phèn xuống khiến cá ít ăn, chậm lớn, bị dịch bệnh.

Nhiều nỗi lo, trong đó bao gồm cả nỗi lo mất mùa giá cao, được mùa bị ép giá, nhưng ngư dân vẫn vượt lên mọi gian truân để “theo” con cá vượt lũ, quyết không để “trống” thời gian sản xuất. Để đấu tranh với hành vi xấu, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do “nhân tai”, Nhân dân Thuận An nỗ lực cùng nhau, chung sức với các lực lượng chức năng ngăn ngừa tội phạm. Ngư dân liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình canh giữ cá, bảo vệ tài sản. 

Cười giãn hết những nếp hằn suy tư trên mặt khi “khoe” chiếc xe máy trị giá hơn 60 triệu đồng mới tậu sáng bóng nơi góc sân, anh Thạnh bảo đó là từ tiền mới thu hoạch từ con cá chẻm vụ vượt lũ. Ông Lê Văn Tuất cho biết, sau khi thu hoạch, bình quân mỗi lồng cá lãi 4-5 chục triệu đồng. Có hộ nuôi 7-8 lồng, có hộ nuôi hơn chục lồng, vị chi lãi ròng sau vượt lũ lên đến vài trăm triệu đồng. Đổi lại những ngày cắt thức ăn cho cá đến tươm tay, những đêm lênh đênh trên chiếc chòi canh tạm bợ giữa tứ bề gió rét…, ngư dân nuôi cá vượt lũ ở thị trấn Thuận An có tiền sửa chữa hoặc làm lại cái nhà, nuôi con ăn học. “Năm nay, cá nâu, cá đối mục vượt lũ nuôi trong ao, hồ ở địa phương cũng mang lại hàng trăm triệu đồng cho người nuôi”. Ông Phan Sinh, Bí thư chi bộ tổ dân phố Tân An chia sẻ.

Theo Thừa Thiên Huế online