Thanh Hải – sự thật về một vị “Minh sư”

Khi nhắc đến “Thanh Hải Vô Thượng Sư” (THVTS) hay “Pháp môn quán Âm” không ai không biết đây là một loại “Bàng môn tả đạo” được du nhập vào nước ta từ những năm đầu thập kỷ 90 với mớ giáo lý hỗn độn pha tạp chút mê tín dị đoan để hòng lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có một số ít người dân vẫn chưa nhận ra bản chất thật sự của THVTS, thậm chí còn có người cuồng tín tin theo những gì “Sư phụ” chỉ dạy. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến khía cạnh về thân thế và quá trình tu hành của Thanh Hải để một lần nữa cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ, tin theo những chiêu trò bịp bợm của y.

Những tín đồ gọi Thanh Hải là “Minh sư”, vậy sự thật về vị minh sư này như thế nào và quá trình tầm đạo của y ra sao?

Trước hết, xin gửi đến bạn đọc bài thơ “Hải đi, Hải về” của tác giả “Dân chơi xứ Quảng” để ít nhiều hình dung được chân tướng của vị “Minh sư”:

Em đi ngày tuổi đôi mươi

Đem thân bán phấn đem đời bán hương

Em đi chiêu dụ muôn phương

Chán chê em lại tìm đường khai tâm

Ngũ giới chỉ cấm tà dâm

Không cấm phơi rốn nhảy đầm đâu anh

Ngày đi em gái “lô-canh”

Bây chừ lên chức em thành “Thượng sư”

 

Thân thế của Thanh Hải

Quá trình tu tập của Thanh HảiNgười tự nhận mình là “minh sư”, giáo chủ của THVTS có tên thật là Đặng Thị Trinh, sinh ngày 12/5/1948 tại thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (có tài liệu ghi là Trịnh Đăng Huệ, sinh ngày 12/5/1950). Thị Trinh sinh ra trong gia đình có gốc là Công giáo, cha làm nghề bốc thuốc Nam, mẹ làm ruộng. Tại Việt Nam, Trinh có thời gian sinh sống tại Sài Gòn, quan hệ nam nữ với nhiều lính Mỹ và có một người con gái tên là Đặng Thị Thảo nhưng sau này đã chết. Tuy nhiên, ở phần tiểu sử bản thân trong cuốn Thanh Hải Vô Thượng Sư – tức khắc khai ngộ, hiện đời giải thoát y lại viết: “…Lúc ấy chiến tranh diễn ra ác liệt, thương cảm với những người bất hạnh, sư phụ đã tìm vào bệnh viện để chăm sóc cho họ, thậm chí còn bưng bê những chất thải của họ đem đổ đồng thời tắm rửa, thay quần áo cho họ mặc kệ những mùi hôi thối…”. Sau đó, Thị Trinh đã đi nhiều nơi: Năm 1966 sang Anh, năm 1972 sang Pháp, đến cuối 1974 sang Tây Đức làm việc trong các trại tị nạn và kết hôn với một bác sỹ người Đức vào năm 1975.

Bộ mặt thật của vị “Minh sư”Bắt đầu từ đây, với ý định mượn danh Phật giáo để hành đạo Thị Trinh đã từ bỏ Công giáo và nhận Thượng tọa Thích Như Điển – Trụ trì chùa Viên Giác ở Hanover (Đức) làm bổn sư, được đặt pháp danh là Thị Nguyện. Mặc dù đã quy y nhưng bản tính trăng hoa của Thị Nguyện vẫn không hề thay đổi, y vẫn thường xuyên “qua lại” với các đấng mày râu bản địa. Đến năm 1980, không chịu nổi cảnh vừa “tu tại gia” vừa ngoại tình của vợ nên ông bác sỹ đã đâm đơn ra tòa ly dị. Để che đậy sự thật và đánh bóng tên tuổi, Thanh Hải đã viết: “Mặc dù sống rất hạnh phúc nhưng sư phụ vẫn quyết tâm rũ áo ra đi để hành đạo cứu đời. Vị bác sỹ (tức chồng của Trinh) tuy thương yêu vợ nhưng cũng đành cảm thông với ý muốn cao cả của sư phụ mà chia tay trong niềm kính phục vô hạn”. Sau khi ly hôn, Thị Trinh xin thầy Như Điển cho quy y nhưng thầy không đồng ý nên Thị đã bỏ sang Đài Loan tầm đạo. Thượng tọa Thích Tịnh Hạnh thuộc viện Phật học Linh Sơn – Đài Loan, người thọ giới cho Thị Trinh kể lại: “Lúc vào chùa, người ấy dấu không cho biết đã quy y với thầy Thích Như Điển ở Tây Đức nên tôi đồng ý cho quy y rồi đặt pháp danh là Thanh Hải. Sau đó, Thanh Hải xin xuất gia nhưng không được chấp thuận vì người đã lập gia đình ít nhất phải vào chùa tập sự 5 năm mới được xuất gia”. Với tính cách nóng vội, một lần nữa Thanh Hải đã  bỏ thầy Tịnh Hạnh để sang Ấn Độ học đạo. Tại đây, y được 2 người thầy chỉ dạy là Jampaghesbe Ngawang Dargay và Thakar Singhi (theo giáo phái Sikhas), được truyền cho 5 câu thần chú cùng phương pháp “An tâm’, huyền pháp “Thanh sắc Quang ảnh”. Giai đoạn ở Ấn Độ là thời gian tu hành dài nhất của Thanh Hải trong quá trình tầm đạo. Đến đầu năm 1989, Thanh Hải trở lại Đài Loan lập “Đạo tràng”, tự xưng là “Thanh Hải Vô Thượng Sư” và bắt đầu sự nghiệp hành đạo của y. Nguồn tài chính mà Thanh Hải có được để duy trì hoạt động là từ buôn bán băng đĩa, sách báo, quà lưu niệm, trang sức, quần áo, tranh ảnh, vật dụng cá nhân với giá niêm yết cao hơn rất nhiều lần giá trị thật của nó. Ngoài ra, Thanh Hải đã tổ chức một hệ thống sản xuất thực phẩm chay mang tên Loving Hut mang sắc thái truyền đạo, khuyến khích tín đồ ăn chay tinh khiết, sống xanh để cứu địa cầu; đồng thời quay, dựng các bộ phim ca nhạc, ngâm thơ họp mặt giao lưu các đồng tu trên khắp thế giới để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia.    

Nói đến danh xưng của Thanh Hải, người ta không thể đếm biết được như thế nào! Trong những cuốn băng ghi hình, những tập san có tên Suma Ching Hai do Đạo tràng Miao Li xuất bản, khi thì Thanh Hải xưng là “Sư phụ”, lúc là “Vô thượng sư”, lại có chỗ xưng là “Phật sống”, là “Tân thượng đế”, là “Chúa tái thế”, là “Vương”, là “Tướng”, là “Minh sư”… Kể về Thanh Hải, một người bạn là Việt kiều Đức cho hay: “Hôm sang Đức giảng đạo, nhân lúc vui miệng nó mới giải thích cho tôi “Vô Thượng sư” là không còn bậc nào để tu hành cao hơn nó”, đúng là một triết lý lố bịch và xem thường các tôn giáo khác. Những người am hiểu về đời tư của Thanh Hải tại miền Nam California (Mỹ) cho biết trước khi hành đạo, “Thượng sư” có thời gian là “Taxi girl” (gái dù), người ta cũng biết rõ những địa chỉ nơi “Thượng sư” đã phẫu thuật để độn Silicon vào ngực cùng những trò ăn chơi trác táng khác; họ không ngờ rằng Thanh Hải tuy là nhà tu hành nhưng vài ba tháng lại thay đổi kiểu tóc, chân đi giày cao gót, váy ngắn hở đùi, áo hở rốn.

Nói về “Pháp môn quán âm” của Thanh Hải, Thượng tọa Thích Tịnh Hạnh viết: “Thanh Hải dùng phương pháp Tâm ấn để khống chế người theo đạo, làm cho tâm trí kẻ chịu theo đạo bị mê hoặc. Đây là phương pháp chú thuật, bùa ngải của Bàng Môn tả đạo. Phương pháp này chỉ để mê hoặc những người nhẹ dạ cả tin…Thanh Hải còn làm điều trái với quy luật của nhà Phật là tỳ kheo ni mà giám độ cho nam phái  vào chúng xuất gia và truyền giới tỳ kheo ni cho nam giới…”. Ông khẳng định: “Thanh Hải không phải là tỳ kheo ni của Phật giáo, là người lợi dụng chiếc áo nhà sư để phá hoại Phật giáo”.

Bản chất thật của Thanh Hải đã bộc lộ trong nhiều bài thuyết giảng mang màu sắc chính trị với lòng thù hận, ý đồ chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam và cả trên thế giới, y tự nhận mình là chiến sỹ chống Cộng. Thanh Hải đã từng nói: “Sư phụ cũng là một chiến sỹ chống Cộng nhưng chống Cộng hòa thuận, an toàn. Sư phụ đánh Cộng sản nhưng không giết người, chỉ hoàn cải họ”. Y còn lớn tiếng cho rằng: “Nhờ sự tu hành khắp thế giới của sư phụ mà Đông Âu, Liên Xô đã bị dẹp, mai mốt đây sẽ đến Việt nam và Trung cộng…”. Thật là một sự ảo tưởng của những kẻ mang trong mình lòng thù hận và được sự chống lưng của những thế lực phương Tây.

Bộ mặt thật của Thanh Hải đã ngày càng được phơi bày là một người giả danh nhà Phật tuyên truyền những thứ Bàng Môn tả đạo để mê hoặc những người nhẹ dạ cả tin nhằm thực hiện cái gọi là “Chiến sỹ chống Cộng” của y. Trong Phật giáo đã có câu “Gieo nhân nào ắt sẽ gặp quả đó”, chính vì vậy với bản chất lừa bịp của Thanh Hải tác giả tin rằng y sẽ sớm nhận lấy cái kết thích đáng mà theo Thượng tọa Thích Tịnh Hạnh gọi là sa vào Vô giản địa ngục.