Sao lại làm thơ về 30/4 như thế?

 

Trong dịp kỷ niệm 43 năm ngày thống nhất đất nước, tôi tâm đắc với tùy bút của nhà báo Hải Đường: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ghi dấu nhiều trang vàng tự hào. Riêng trong thế kỷ XX, một thế kỷ đầy hào hùng, với biết bao xương máu hy sinh và những chiến công oanh liệt, khắc ghi những dấu son chói lọi. Trong các dấu son ấy, ngày 30-4 đánh dấu sự toàn thắng của một dân tộc kiên trung, bất khuất, của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam.

Chiến thắng của một dân tộc đất không rộng, người không đông đọ sức với đối phương hùng mạnh bậc nhất thế giới, chúng ta đã trả lời với thế giới rằng, chính nghĩa đã thắng, văn minh đã thắng bạo tàn. 30-4 trở thành ngày lịch sử không chỉ của một dân tộc anh hùng mà còn là sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại, mở ra một thời kỳ mới sau Việt Nam. Bởi trong suốt hơn 30 năm kháng chiến, dân tộc ta luôn nhận được sự cổ vũ to lớn, sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hoá Việt Nam; sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại...

Bài viết còn phản ảnh sâu sắc những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đồng thời cũng đã phân tích những khó khăn, thử thách trong bối cảnh tình hình mới của thế giới và đất nước. Tùy bút kết thúc bằng đoạn văn thể hiện tính nhân văn và tinh thần đại đoàn kết dân tộc: Tháng Tư về. Đồng bào cả nước tự hào, xúc động nhớ về Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, nhớ về Đại thắng Mùa Xuân 1975. Giờ đây, các thế hệ cha anh, những “người trong cuộc” năm xưa gặp nhau thường nói, trong cuộc chiến đấu này, người chiến thắng là nhân dân Việt Nam Anh hùng. Với truyền thống hòa hiếu, chúng ta nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun trồng cây đoàn kết, hữu nghị. Với bạn bè quốc tế, chúng ta luôn là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta cùng hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Như thế là làm sâu sắc thêm ý nghĩa của một chiến công vang dội, hướng tới một chân trời hòa bình, hữu nghị và tự do, hạnh phúc của mỗi dân tộc, mỗi con người.

Chiến thắng của dân tộc Việt Nam là chiến thắng của văn hóa Việt Nam, của lòng khoan dung, nhân ái. Cách chúng ta gần 700 năm, Nguyễn Trãi đã viết trong bài thơ “Mừng về Lam Sơn”: "Quyền mưu bản thị dụng trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì quốc thế an”. Tạm dịch: “Quyền mưu vốn để diệt trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì thế nước an”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, “kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có lần trò chuyện với các nhà văn: “Dù cho đến chủ nghĩa cộng sản thành công thì câu ca dao Việt Nam vẫn mãi làm rung động lòng người Việt Nam”. Có nhiều câu ca dao khiến lòng ta rung động. Nhưng lúc này đây, ta nhớ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Cũng trong dịp này, tôi thấy buồn và thật ngạc nhiên, trên Fb của Nguyễn Thị Tịnh Thy đăng bài thơ THƯA MẸ VIỆT NAM với lời mở đầu: ĐÂY LÀ BÀI THƠ TÔI VIẾT CHO NHỮNG NGÀY 30 THÁNG 4 TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI; viết cho người nằm xuống, người đứng lên, người ra đi, người ở lại; cho những nỗi và niềm đầy ngang trái cứ ngoáy vào vết thương lịch sử. Ai comment, xin hãy nghĩ đến câu “tiên trách kỷ nhi hậu trách nhân”. Xin cảm ơn!

Bài thơ được hơn 500 người like, trên 150 người bình luận và trên 200 người chia sẻ. Nhưng có điều lạ, không biết cô giáo Tịnh Thy đứng trên lập trường nào để sáng tác bài thơ này? Nguyễn Thị Tịnh Thy, là một trí thức, là giảng viên văn học ở một trường Đại học có tên tuổi, tại sao lại có cách suy nghĩ như vậy? Hầu hết chúng ta, khi còn ở tuổi học sinh, ai cũng thuộc lòng bài học: “Giờ quốc sử chúng em ngồi im lặng lắng tai nghe/ Tiếng thầy giáo vang trong giờ quốc sử/ Thầy giáo bảo các em nên nhớ rõ/ Nước chúng ta là một nước vinh quang/ Bao anh hùng thuở trước đã gian nan/ Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc...”. Thế mà cô giáo Tịnh Thy, người học rộng, hiểu nhiều lại đi hờn dỗi tổ tiên, trách móc cha Lạc Long Quân, mẹ Âu cơ, với bài trường ca bi lụy, phân tích truyền thuyết giống dòng dân tộc theo một lăng kính đầy tâm tư nặng trĩu. Có lẽ ai cũng hiểu rằng 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ lên núi là để khai khẩn đất hoang xây dựng bản làng, thôn xóm; để canh giữ rừng vàng, biển bạc, mở rộng bờ cõi, trấn giữ biên cương, vươn ra hải đảo nhằm khẳng định chủ quyền cho dân tộc Việt, chứ đâu phải là chia đàn xẻ nghé, để huynh đệ tương tàn, như lời thơ ai oán ray rức “Sao Mẹ chấp nhận để một trăm đứa con phải chia ly đôi ngả/ Để cuống rốn chúng con bị cắt đứt làm hai...”

Tịnh Thy khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đại học, tôi nhớ  cũng có lần cô đã từng bày tỏ sự đồng cảm của mình qua những vần thơ của Chế Lan Viên: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ - Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất/ Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc./ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...”

Bài thơ của Tịnh Thy đăng trên mạng xã hội, được nhiều người bày tỏ cảm xúc, tán thưởng, nhưng cô có biết bên cạnh đó lại cũng có rất rất nhiều người không đồng tình và chê trách tác giả là người ăn ở hai lòng, đứng hàng hai, tư tưởng thiếu nhất quán, bản lĩnh không vững vàng của một trí thức, một giảng viên văn ở trường đại học. Xóa nhòa “chiến tranh chính nghĩa” và “chiến tranh phi nghĩa”. Mong cô giáo Tịnh Thy hãy bình tâm vì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không ở đâu xa. “Tự diễn biến” hiện nay có thể được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí quyết tâm hành động với các biểu hiện cụ thể…Tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong con người cán bộ, đảng viên trong đó có đội ngũ trí thức được biểu hiện ở chỗ: sẽ dần dần bị suy giảm về bản chất cách mạng, dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, xa rời hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác...

Tâm nguyện hòa hiếu hòa hợp dân tộc trong bài thơ THƯA MẸ VIỆT NAM của Tịnh Thy là đáng ghi nhận. Bởi vậy, hào khí Tháng Tư đang thôi thúc chúng ta! Hòa hiếu, hòa hợp dân tộc, kiên định con đường sáng, dẫu còn lắm thác nhiều ghềnh, những con Lạc cháu Hồng cùng nắm tay nhau đi tới chân trời rộng mở!

 

                                                                            LÊ  HÒA THANH