PHÊ PHÁN CẦN CÔNG TÂM TRÁNH SAI LỆCH

Lũ chồng lũ. Ảnh hưởng cơn bão vừa qua làm nước ngập sâu nhiều nơi chưa rút xong, đêm 19 và ngày 20/11 do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận  có mưa to đến rất to, trong đó có Thừa Thiên Huế, nhiều huyện thị và thành phố Huế lại ngập lụt, nhiều địa phương trong tỉnh bị chia cắt. Mỗi lần mưa to gió lớn, lũ lụt, dư luận lại phàn nàn về thủy điện. Dư luận xã hội khá bức xúc, trên fb có người bày tỏ tâm trạng bằng cả thơ, ca, hò, vè.

Ví dụ: Quê ta Lũ lụt tràn về/ Cũng tại thuỷ điện chẳng hề lo xa/ Để nước tới trôn mới xả cổng ra/ Nước tràn Lũ quét hại bà con ta/ Lũ quét trôi sụp cửa nhà/ Hoa màu lúa gạo trôi ra biển rồi/ Bà con than đứng thở ngồi/ Mỗi lần xả đập bồi hồi ruột gan!

Thậm chí có fb lời lẽ còn nặng nề, gay gắt hơn:

Ngày xưa có cái Sở…“điên”(nặng)/ Bi chừ thủy điện còn…điên hơn nhiều/ Tích nước nó tích... Tiền tiêu/ Xả lũ, đồng loạt dạt phiêu Dân mình/ Năm nào cũng thế, thật kinh/ Quan mình hành khổ Dân mình, hỡi ôi/ Ôi, thôi thôi, trôi trôi trôi!...

Đúng là thủy điện có ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng có phải đây là nguyên nhân chính tạo ra lũ lụt không? Có lẽ là không, vì năm 1999, trận lũ lụt lịch sử đã xảy trên địa bàn tỉnh, khi ấy Thừa Thiên Huế chưa hề có thủy điện.  

Bình tâm tìm hiểu, chúng ta biết, thủy điện xuất hiện cách đây trên 70 năm và trở thành niềm hy vọng của nhân loại trên nhiều phương diện, đặc biệt là cung cấp nguồn năng lượng tái tạo và tương đối sạch. Phát triển thủy điện sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích như: Thúc đẩy các khả năng kinh tế, bảo tồn các hệ sinh thái, cung cấp một nguồn năng lượng sạch, góp phần vào phát triển bền vững, sử dụng nước đa mục tiêu, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện công bằng xã hội… tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện cũng mang lại nhiều bất cập.

Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Đến nay, các công trình thuỷ điện đã khai thác được khoảng 4.238 MW, chiếm hơn 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia (khoảng 10.445 MW). Lượng nước sử dụng để phát điện từ dung tích hữu ích của các hồ chứa thuỷ điện khoảng 13,6 tỉ m3.

Theo quy hoạch thuỷ điện trên 9 lưu vực sông chính, dự kiến thuỷ điện sẽ cung cấp khoảng 16.200MW, chiếm 62% trong tổng số 26.000MW cần bổ sung đến năm 2020. Trong giai đoạn sau đó, khi tiềm năng thủy điện đã cơ bản được sử dụng, thì tỷ trọng thủy điện sẽ giảm xuống.

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, thủy điện cũng có nhiều bất lợi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái như: giảm thiểu đa dạng sinh học và hiệu quả kinh tế đảo ngược từ việc cải tạo môi trường tự nhiên…Bất cứ một công trình xây dựng nào của con người đều tác động đến thiên nhiên, không nhiều thì ít, từ một tòa nhà, một con đường, cây cầu, một cái đập nước... Vì vậy, bổn phận của người xây dựng, cũng như cơ quan chức năng khi cấp giấy phép xây dựng, cần cân nhắc hai phương diện đối nghịch với nhau: - sự cần thiết và lợi ích mang lại cho con người của công trình sẽ được xây dựng; - tác hại trước mắt cũng như lâu dài của công trình đó.

Sự cân nhắc tính toán này phải được thực hiện đầy đủ và khoa học, trên cơ sở quyền lợi chung của cộng đồng, quốc gia và sử dụng các phương pháp phân tích tiên tiến nhất. Xây dựng một cái đập trên một con sông cũng giống như xây một xa lộ qua một vùng hoang dã, nó sẽ chia cắt môi trường thiên nhiên thành hai không gian khác nhau. Trong trường hợp đập có hồ chứa để điều hòa dòng nước thì dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ thay đổi. Sự thay đổi sẽ nhiều hay ít tùy theo hồ chứa được vận hành như thế nào. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi, thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng và có thể mất một thời gian khá lâu mới tìm được sự cân bằng mới, hoặc thậm chí không tìm lại được lại cân bằng ban đầu.

Thừa Thiên - Huế có hơn 50 hồ chứa nước lớn, nhỏ, bao gồm cả hồ thủy lợi và hồ thủy điện, với tổng dung tích lên đến hàng tỷ m3 nước, trong đó, nhiều hồ chứa nước phục vụ thủy lợi lớn như: hồ Truồi (55 triệu m3), Khe Ngang (15 triệu m3), Hòa Mỹ (10 triệu m3)... Ba công trình thủy điện lớn khác đã được đưa vào hoạt động, gồm thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền và thủy điện A Lưới với công suất gần 300 MW, chứa hàng trăm triệu m3 nước; trong đó hai công trình thủy điện Bình Ðiền và Hương Ðiền ở đầu nguồn nhánh Hữu Trạch sông Hương và sông Bồ, có tác dụng điều tiết rất quan trọng khi lũ về ở hạ du của thành phố Huế và các địa phương lân cận...

Điều quan tâm nhất hiện nay là các công trình thủy điện đều nằm gần khu dân cư. Đặc điểm các con sông ở Thừa Thiên - Huế ngắn và dốc, khi có mưa lớn thường gây ngập lụt nhanh cho vùng đồng bằng. Phương án giảm lũ là xả tràn các công trình hồ chứa theo kiểu so le, nhưng nếu quy trình vận hành liên hồ chứa chưa thực hiện được, các công trình thủy điện xả lũ cùng lúc thì việc gây ngập lụt cho vùng hạ lưu là điều không tránh khỏi.

Tuy vậy, thực tế qua các đợt lũ lớn vừa rồi, các địa phương trong tỉnh gần như hoàn toàn chủ động ứng phó, cho thấy tác dụng của các hồ thủy điện trong việc tích nước, điều tiết xả lũ đúng quy trình, hợp lý...Ông Lê Văn Thắng ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) nhìn nhận, trước đây không có các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn tích nước thì mưa đầu nguồn có bao nhiêu đổ về hết hạ du bấy nhiêu. Các trận lũ lớn, nước đổ về rất nhanh, bất ngờ nên người dân thiếu sự chủ động ứng phó. Người dân chỉ kịp sơ tán người, còn tài sản như gia súc, gia cầm, đồ đạc... có khi không chuyển kịp bị thiệt hại.

Lũ lụt những năm gần đây, mới nhất là các trận lũ đầu tháng 11 và lũ ngày 20/11 là rất lớn, nước đổ về hạ du và lên khá nhanh, nhưng công tác ứng phó được người dân hoàn toàn chủ động. Khi nghe trên loa đài truyền thanh địa phương, hay trưởng thôn về tận khu dân cư thông báo các hồ sẽ điều tiết xả lũ, người dân lập tức sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các đợt lũ vừa rồi tuy rất lớn, ngập sâu nhưng chỉ thiệt hại rau màu, còn gia súc, gia cầm ít bị thiệt hại...

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phước-Lê Đức Ưa tỏ ra yên tâm khi công tác phối hợp giữa các chủ hồ đập và chính quyền địa phương rất tốt. Khi có kế hoạch điều tiết xả lũ, các chủ hồ đã thông báo trước cho các địa phương 2-3 giờ, thời gian này đủ để người dân chủ động kê cao, sơ tán vật dụng, gia súc, gia cầm, nhất là trẻ em, người già, phụ nữ đến nơi an toàn. Mọi công tác ứng phó đều chủ động nhờ có thông báo trước về thời điểm xảy ra lũ, cấp độ lũ... Trong các đợt lũ vừa qua xấp xỉ mức lũ lịch sử 1999 nhưng không thiệt hại lớn về người và tài sản.

Với sự quan tâm của cộng đồng, trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có những trao đổi và trả lời cụ thể với người dân về vấn đề điều tiết xã lũ. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, vấn đề điều tiết xã lũ là chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải do các nhà máy thủy điện. Trong đợt lũ vừa qua, do lượng mưa quá lớn kéo dài trong nhiều ngày nên việc xã lũ là cần thiết nhằm tránh gây vỡ đập và ảnh hưởng đến các hồ chứa. Lãnh đạo tỉnh đã nghiên cứu kỹ để điều tiết xã lũ phù hợp, không xả vào ban đêm nhằm tránh gây thiệt hại cho người và tài sản của bà con.

Như vậy, việc phê phán các nhà máy thủy điện phải công tâm, việc cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia là cần thiết, việc điều tiết hồ chứa nước khi mưa to gió lớn phải chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tuyệt đối không được tùy tiện chủ quan. Còn vấn đề lũ lụt là việc của ông trời đừng vội vàng qui chụp cho nhà máy thủy điện... thành nhà máy thủy điên mà oan uổng và sai lêch!

                                         

                                                                      THUẬN HÓA