NÓI VỚI ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG


Những ngày qua, nghe ông phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, đăng bài facebook, trả lời một số báo chí về cái gọi là “sai phạm khủng khiếp” của cơ quan điều tra. Là một cử tri tôi thấy cần nói với ông một số điều:
Thứ nhất, rõ ràng với các con số và cách diễn giải của ông tại nghị trường, dù được lập luận thế nào thì nó cũng đã khiến người khác hiểu sai về kết quả công tác điều tra, mà Ủy ban Tư pháp Quốc hội và mới đây là Bộ Công An đã thông báo chỉ rõ. Ngay cử tri khi nghe tranh luận về vấn đề này cũng có thể nhận thức rõ cách tính số liệu của ông là bất bình thường. Song điều đáng buồn đối với cử tri khi chứng kiến một đại biểu bảo thủ, không dám nhận sai sót, lại còn lên mạng xã hội, trả lời báo chí ngụy biện theo kiểu: “Tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu "ngoài luồng" và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa. Cái mà tôi nói có tính chất "cửa miệng" là "khủng khiếp" chẳng qua là một thói quen bình thường trước một tỷ lệ vi phạm cao, khi so sánh với các vi phạm của cơ quan khác trên lĩnh vực đó”. “Anh hiểu theo một cách, tôi hiểu theo một cách, mà tôi hiểu theo cách riêng của tôi. Cách của tôi hiểu ở trong phạm vi nhất định thì tôi hoàn toàn đúng, nên tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi phát biểu và số phần trăm tôi chia". Thưa ông, cái này ông phải suy nghĩ lại, vì với tư cách đại biểu Quốc hội, mỗi lời nói, hành động ở nghị trường có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và cử tri, vì vậy phải hết sức thận trọng, có cơ sở khoa học, pháp lý, không thể nói bừa. Mặt khác, khi phát biểu một vấn đề khiến đại biểu, dư luận hiểu sai như ông đã thanh minh, thì cũng phải xem lại cách diễn giải của mình mà rút kinh nghiệm, không thể có cái lý cùn rằng điều tôi nói luôn đúng vì đó là cách hiểu của riêng tôi được. Vậy thì phát biểu để làm gì nhỉ?
Thứ hai, là đại biểu Quốc hội, văn hóa tranh luận dựa trên sự thật khách quan, tinh thần xây dựng, tính công khai, chính danh, như phát biểu tại diễn đàn, trao đổi cá nhân, thông qua cơ quan truyền thông... để khẳng định quan điểm cũng như chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình. Do đó, việc ông đưa vấn đề này lên mạng xã hội facebook thì thật không nên đối với một chính trị gia, vì nó thể hiện kiểu đưa tin vô trách nhiệm, cách nói sau lưng người khác, phải không ông. Trong khi cái cử tri quan tâm, cần ở ông là sự phản biện một cách có cơ sở khoa học, một cách công khai đường hoàng, dù đúng, dù sai, bởi trên đời này có ai hiểu biết hết tất cả và đố ai khi nào cũng đúng cả bao giờ. Cũng không hiểu vì sao ông muốn cộng đồng mạng với đầy đủ thành phần tốt, xấu ủng hộ, bảo vệ cho lập luận của mình, chỉ biết rằng cũng từ những điều ông viết trên facebook nhiều kẻ đã lợi dụng để xuyên tạc, đả kích chế độ. Ông phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Thứ ba, ông nói rằng mình không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa. Vậy tôi xin trích dẫn điều ông viết trên facebook: “Như các bạn đã biết câu chuyện về các sỹ quan cấp tướng trong ngành công an tiếp tay cho tội phạm; nhiều người vi phạm pháp luật bị xử lý về mặt đảng, thậm chí bị xử lý hình sự…”. “Điều đó làm cho người dân không còn yên tâm, thiếu sự tin cậy với lực lượng chấp pháp từng được dân tin yêu, với 6 lời thề như khắc vào đá; lực lượng được quan tâm, ủng hộ, trang bị… để giữ cho dân yên, giờ lại là nỗi ám ảnh của người dân?”. Qua những dòng trên, ông muốn người đọc nghĩ gì ngoài ý rằng lực lượng Công an hiện nay chỉ là “nổi ám ảnh của người dân”. Không biết ông nhận thức thế nào về lý luận bản chất và hiện tượng, còn cử tri chúng tôi đủ để hiểu rằng tuy thời gian qua trong lực lượng Công an có nhiều người, kể cả lãnh đạo cấp cao suy thoái phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, bị xử lý, nhưng chắc chắn đó là số ít và là hiện tượng đơn lẽ so với hàng vạn cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm thầm lặng đối diện hy sinh, gian khổ vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Sao vô tâm phủ nhận sạch trơn mà không nghĩ đến những lúc lực lượng ấy phải căng mình bảo vệ an ninh trước hoạt động khủng bố, chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; những thời khắc hiểm nguy họ phải đối mặt trong đấu tranh triệt phá băng, nhóm tội phạm vì trật tự xã hội; những con người đã quên mình, vắt kiệt sức lực để cứu người bị nạn trong dòng nước lũ, dập tắt các đám cháy lớn; những người đã anh dũng hi sinh... Thưa ông, vì thế về tổng thể chung lực lượng Công an xứng đáng được xã hội trân trọng và ghi nhận, chứ không phải là sự quy chụp để xúc phạm họ. Cũng như việc không thể quy kết tập thể có vài người nhận thức, phát ngôn không đến đầu, đến đuôi, ai nghe cũng "phì cười” là tổ chức toàn những người thiếu hiểu biết, phải không ông. 
Làm lãnh đạo càng cao, nhất là đại diện cho nhân dân thì cần lắm cái tâm và cái tầm, như Bác Hồ kính yêu đã dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Ai đó chưa xứng đáng thì nên cảm thấy xấu hổ, tự khắc phục những hạn chế, trước khi xã hội đào thải, vì tương lai phát triển phồn thịnh của đất nước.

Diễn Châu