GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NGÀY 30/4/1975

Chính trong diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Ngụy vào ngày 21/4/1975 đã bộc lộ: “với gần nửa triệu quân, binh hùng tướng mạnh, tiêu tốn hơn 300 tỉ USD trong 6 năm trời (Mỹ) không đánh bại được Việt Nam mà tìm một lối ra danh dự. Thế mà quân đội này (Việt Nam cộng hòa) súng thiếu, đạn thiếu, thuốc thiếu, xăng thiếu, máy bay thiếu, không có B52 mà bảo tôi làm làm cái chuyện đội đá vá trời…”. Lời than thở của một người khét tiếng “chống cộng” đã nói lên thực tế của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với thất bại thảm hại của mình. Vào thời điểm đó chúng ta cũng thiếu tất cả, tiềm lực kinh tế, quốc phòng không thể so sánh với Mỹ nhưng đã làm được điều phi thường. Vậy mà cứ vào mỗi dịp 30/4 hàng năm những cái loa “méo tiếng” ở hải ngoại và những nhà dân chủ giả hiệu trong nước lại lớn tiếng phủ nhận cuộc kháng chiến giành tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Luận điệu đưa ra là có cần thiết một cuộc chiến kéo dài hơn 2 thập kỷ, hy sinh hàng triệu người, tiêu tốn nguồn vật chất khổng lồ. Cũng có kẻ cho rằng đây là cuộc “nội chiến” giữa 2 miền Nam –Bắc mà chủ mưu là những người cộng sản. Cũng có người ra vẻ “dịu dàng” hơn thì lấy làm tiếc tại sao không bắt tay ngồi lại đàm phán thống nhất như ở Đức, như 2 miền Triều Tiên đang thực hiện. Nhưng hơn cả là bầy hà dua coi 30/4 là ngày “quốc hận”, “ngày mất nước” và lớn tiếng kêu gọi trở về giành lại giang sơn, lật đổ chế độ cộng sản…

     Những luận điệu kiểu dạng như trên không phải là mới và đã được lặp đi lặp lại mấy chục năm nay. Người nghe đã nhàm tai, người phản đối cũng đã quá nhiều, không còn gì phải nói khi mà cộng đồng quốc tế và ngay cả chính quyền Mỹ cũng đã thừa nhận sự thật về thất bại lịch sử. Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã từng nói, đại ý là: Là người đã từng chiến đấu với cộng sản, cũng muốn chiến thắng nhưng không được, những người anh em “phía bên kia” (Quân đội nhân dân Việt Nam) họ đã làm được thì nên thừa nhận thất bại, thừa nhận lịch sử. Ông ta cũng chỉ rõ thêm: mấy chục năm nay những người thua trận ở Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình, tổ chức quyên góp cho “ngày trở về” nhưng cũng chỉ nói miệng, lừa đảo những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Tướng Kỳ khẳng định họ (hải ngoại) không làm được trong mấy chục năm qua và mãi mãi không bao giờ làm được.

     Những nhóm người ở hải ngoại lên tiếng phủ nhận thắng lợi của quân đội Việt Nam và gân cổ lên tiếng đòi phục hận, kêu gọi trở về… Hơn bốn thập kỷ lặp đi lặp lại những bản “diễn văn hùng hồn”, những lời kêu gọi “yêu nước” nhưng đã có được mấy tên dám mò về “phục quốc”? Có chăng một vài nhóm người bị lừa vào các tổ chức phản động, được chúng phong cho chức này chức nọ bí mật về nước nhưng sớm bị tóm cổ. Chúng quên rằng, ngày 14/3/1975, Trung tướng, Tư lệnh quân đoàn 2 Ngụy Phạm Văn Phú, hùng hồn tuyên bố: “Tôi sẽ sống chết với cao nguyên. Tôi sẽ lấy máu mình để thu hồi Ban Mê Thuột”. Nhưng chỉ một ngày sau Phú đã nhảy lên máy bay về Nha Trang bỏ lại hàng chục ngàn quân dưới quyền bơ vơ chốn cao nguyên. Hay như Ngô Quang Trưởng, Trung tướng, Tư lệnh quân đoàn 1 tuyên bố: “Tôi sẽ sống chết với Cố đô, Cộng quân muốn vào Huế phải bước qua xác tôi”. Rồi 25/3/1975 ông ta cũng chuồn vào Đà nẵng, ít ngày sau bay thẳng ra Hạm đội 7 chạy sang Mỹ. Rất nhiều tướng tá trong quân đội Ngụy những ngày cuối tháng 4/1975 cũng có hoàn cảnh tương tự. Hình ảnh đu càng máy bay, giành nhau bám lên tàu chiến, cởi bỏ quân phục, vứt súng đạn ngổn ngang trên đường tháo chạy là những minh chứng thất bại thảm hại của một đội quân được xem mạnh thứ 4 thế giới (vào thời điểm đó). Sự thật đó chắc chắn đang còn ám ảnh rất nhiều trong hàng ngũ sĩ quan, binh lính chế độ cũ từng chứng kiến thời điểm tháng 4/1975. Những kẻ còn ảo vọng phục quốc, lật đổ chế độ hiện tại nhìn vào những đó để suy ngẫm…

    Bên cạnh đó “những chính trị gia nửa mùa”chưa một ngày cầm súng nhưng lại lớn tiếng so sánh với thâm ý ra vẻ tiếc nuối cho rằng không cần chiến tranh, hòa giải, đàm phán đi đến hiệp thương thống nhất đỡ hao người tốn của. Hòa bình thống nhất đang là cái gì đó ở thì tương lai của nhiều quốc gia. Việt Nam đang rất tự hào và là tấm gương sáng cho các nước noi theo.

     Giá trị lịch sử ngày 30 tháng 4 cách đây 44 năm nhắc nhở mọi người không bao giờ được lãng quên.

 

 NGUYỄN PHƯỚC  YÊN