ĐỪNG NÊN SUY NGHĨ MỘT CHIỀU

Gần đây dư luận xã hội rất quan tâm đến thông tin trên mạng xã hội với tâm trạng vừa mừng vừa lo. Vì mạng xã hội mang đến cái hay, cái tốt cũng nhiều, nhưng cái xấu, cái hệ lụy ùa về cũng lắm. Bởi vậy mà trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm 17/11/2017 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đăng đàn trả lời chất vấn hàng chục ý kiến của đại biểu quốc hội, được dư luận đồng tình. Đặc biệt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập thêm vấn đề báo chí và mạng xã hội với những thông tin mạch lạc, những quan điểm và lập luận có lý có tình được cử tri hoan nghênh.

Thế mà, rất tiếc ở địa bàn tỉnh ta có người suy nghĩ một chiều, cho rằng facebook chỉ có cái hay, cái tích cực. Rồi họ đặt ra câu hỏi: AI SỢ FACEBOOK? Và tự đưa ra câu trả lời: Facebook (fb)là mạng xã hội mà đa số cư dân mạng yêu thích, qua nó con người có thể tỏ bày các trạng thái tâm lý ái, ố, hỉ, nộ đối với các hiện tượng xã hội xãy ra xung quanh mà mình quan tâm. Chuyện lành đồn xa, chuyện dữ cũng đồn xa. Ai làm được một chuyện mà bản thân mình cho là tốt lành cũng mong muốn thông qua fb cho mọi người biết đến để có lời khen, rồi nhân rộng, phổ biến để định hướng cho cái thiện. Những người làm chuyện xấu bị phanh phui thì cũng bị cư dân mạng lan truyền, phê phán, lên án cũng chỉ nhằm tránh ác hướng thiện. TBT Nguyễn Phú Trọng khởi động chuyện "đốt lò" nhờ fb mà lan truyền nên được toàn dân kính trọng. Những kẻ làm điều xấu bị đưa lên fb thì họa vô đơn chí có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Như vậy, fb là thiên thần của điều lành và là hung thần, sát tinh của cái ác. Cho nên chỉ có kẻ ác mới tìm mọi cách hù dọa, bài xích fb mà thôi.

Cách nói trên mới đúng một nửa, và quả quá khó nghe với cách nhìn phiến diện: “Cho nên chỉ có kẻ ác mới tìm mọi cách hù dọa, bài xích fb mà thôi ”. Và cũng lấy làm lạ, có đến 90 người like hoặc comment với suy nghĩ mang ý tưởng cực đoan này. Trong đó có vài ý kiến phụ họa, như: “khi người ta yếu, và hèn, cái chi chi người ta cũng sợ. Còn nữa, người thiểu trí chỉ lo được cái sợ nhỏ, không ngăn được mà cũng không hình dung được cơn lũ lớn. Thương họ vô cùng”.

Khác với nhận thức trên, tôi đồng tình với ý kiến mang tính logic hơn của Nguyễn Phước Khánh đăng trên Huế ngày mới: “Gần đây có nhiều thông tin gây sốc, tạo ra dư luận xã hội hết sức rộng lớn nhưng độ chính xác thì e chừng ….không có gờ ram nào. Có nhiều thông tin được giật tít hết sức giật gân nhưng nội dung đúng sai lẫn lộn. Không khó nhận biết khi truy cập youtube trên các trang chống đối có hàng loạt clip được đưa lên bằng các sự kiện không có thực hoặc bị cắt xén, lồng ghép hình ảnh của hàng ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những thông tin bình luận xuyên tạc, bôi nhọ hết sức bỉ ổi. Không thiếu những “Like, comment, share” của các Bloger, facebook, của các trang mạng bình luận, chia sẻ lan truyền nhanh đến chóng mặt…Sẽ ân hận khi chúng ta lại vô tình hay cố ý tiếp tay cho những kẻ vô lương tâm, thâm thù sâu sắc với chế độ cố tình đưa thông tin xấu chống đối lên mạng xã hội. Và cũng đáng phải “trả giá” cho sinh mạng chính trị khi cố tình lan truyền những nội dung kích động chống nhà nước, tiếp tay cho các tổ chức phản động gây mất ổn định xã hội”.

Đúng như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trả lời trước Quốc hội, bên cạnh những lợi ích về kết nối con người, chia sẻ kiến thức, sự phát triển của mạng xã hội mang lại những tác hại không nhỏ.

“Những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn”, Bộ trưởng nói.

Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không?

 Chúng ta phải nhìn nhận rõ, ta phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên con đường đó. Còn trách nhiệm của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề.

Hiện nay, ở Việt Nam khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, sử dụng Internet, tức là gần 70% người dân Việt Nam. Trong đó có một bộ phận, khoảng 1-2 triệu người mà năng lượng đen, năng lượng xấu của họ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.

“Việc ném đá nhau, nói xấu nhau, chì chiết, làm đủ cách hại lẫn nhau trên mạng xã hội rất nhiều là một thực trạng”, Bộ trưởng cho biết.

Nếu nói tốt ở trên mạng xã hội thì ít người vào và ít người quan tâm. Nhưng một lời lẽ xúc phạm nhau trên mạng xã hội với bất kỳ lý do gì lại có nhiều người vào đang là vấn đề nhức nhối.

Thậm chí, từ năm 2014 đến nay ít nhất có 5-6 trường hợp tự tử vì mạng xã hội, vì nội dung bôi nhọ trên mạng xã hội, tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Thời gian qua, gần 5.000 clip ở trên youtube đã bị gỡ bỏ do có nội dung xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân xâm hại đến quyền của cá nhân. Bộ trưởng còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng đồng thời khi đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

Nói về báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nêu rõ tinh thần chung của Chính phủ là chúng ta tạo điều kiện để phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý thật tốt.

Phó Thủ tướng nói, hiện nay trên thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó 52% đã dùng mạng internet và 42% số người đã dùng mạng xã hội.

Ở Việt Nam chúng ta theo số liệu mới đây nhất là hiện nay có 67% số người Việt Nam dùng internet và khoảng 60% số người dùng mạng xã hội.

Hiện nay ở Việt Nam phần lớn khi nói về lĩnh vực này gần như thị trường là của các công ty nước ngoài, mạng xã hội theo đánh giá 95% thị phần là của nước ngoài. Thứ hai là công cụ tìm kiếm thì tới 98% là Google. Thứ ba về thư điện tử cũng 98% là Yahoo và Gmail. Tiếp đến về thương mại điện tử cũng 80% thị phần của nước ngoài. Tỷ lệ tốt nhất là trò chơi điện tử được 60%.

Như vậy, suy ra là thị trường quảng cáo trực tuyến các công ty nước ngoài, điển hình là Facebook và Youtube chiếm 80%, riêng số tiền của 2 công ty này năm vừa rồi là 350 triệu đôla.

“Chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn, ở các nước đều làm cả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trung Quốc rất đặc biệt họ làm hoàn toàn mạng trong nước, nhưng như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có nói một số nước người ta quản lý tốt. Ví dụ như Nga thì facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản facebook đứng thứ 6 và Hàn Quốc facebook đứng thứ 7, đương nhiên là có công cụ pháp luật.

Một số nước cố gắng tạo ra các nhà cung cấp khác, tránh độc quyền hoặc người ta dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng cuối cùng đó là tuyên truyền, giáo dục, điển hình ở Đức, như một đại biểu đã nêu, một mặt người ta dùng pháp luật, nhằm vào các công ty nước ngoài hay lấy thông tin cá nhân của từng người dân, hay có các thông tin để phân biệt đối xử gây thù địch thì người ta ra điều luật.

Liên minh Châu Âu đã bắt tất cả các hãng lớn phải ký với cam kết với Liên minh Châu Âu phải thực hiện những điều đó.

Ở Đức người ta giáo dục chỉ có 37% số người dân Đức dùng mạng xã hội vì người ta ý thức được lên mạng xã hội là mất thông tin cá nhân.

Ở Thái Lan 83% số người Thái Lan dùng Internet so với 67% của mình, tức là họ còn nhiều hơn. Nhưng trước những đe dọa ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế trong nước Chính phủ Thái Lan cũng có những biện pháp rất cương quyết.

Phó Thủ tướng khẳng định lại rằng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành cần phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết hơn, hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và các cam kết của Việt Nam... Đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi tạo điều kiện phát triển nhưng phát triển kinh tế đồng thời phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, phải đảm bảo phát triển văn hóa và con người Việt Nam, phải đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, không được xuyên tạc, bôi xấu, chia rẽ và gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hóa của Việt Nam”.

Đưa lại nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để chúng ta suy ngẫm vấn đề một cách biện chứng về mạng xã hội. Mong rằng bạn facebook nói trên và những ai quan tâm vấn đề này có suy nghĩ sâu sắc, đúng đắn và toàn diện hơn!

 

                                                          THUẬN HÓA