ĐỪNG HIỂU NHẦM PHƯƠNG PHÁP CỦA GIÁO SƯ HỒ NGỌC ĐẠI

 

 

Tôi đồng tình với lời tâm sự của một người bạn thân: “Sau khi tôi nêu băn khoăn về cách đánh vần rồi cách học theo Công nghệ giáo dục. Tôi đã nhận được nhiều lời giải thích của bạn bè trong và ngoài ngành GD trong đó có cô giáo là người đầu tiên đi tập huấn về thực nghiệm ở TP tôi đang sống, chương trình thực nghiệm đã hơn 20 năm nay. Các anh, chị và các bạn đều là những nhà giáo tâm đắc, yêu nghề và có trách nhiệm. Vì vậy, tôi đã ngộ ra; thôi với HS lớp 1 thì đọc thông viết thạo là một mục tiêu quan trọng, làm thế nào để các cháu nhanh đạt mục tiêu là được. Mọi người đều nói đạt được mục tiêu đó. Nhưng, xem lại có hai cái tôi thấy vẫn băn khoăn. Một là, Bộ GD&ĐT không công khai, giải thích cho đông đảo nhân dân biết chủ trương và ưu điểm của Công nghệ GD mới trước khi triển khai ra diện rộng. Thứ nữa, chậm khắp phục và công khai hóa những hạn chế đã và đang sửa trong các tài liệu học tập, nhất là sách tham khảo cho HS lớp 1. Nhưng dù gì cũng không nên hát bài "Ai yêu nhi đồng bằng Bác HCM" bằng các ký tự hình...”

Đúng là những ngày qua mạng xã hội đang lan truyền khá nhiều đoạn clip ghi lại cảnh học sinh tiểu học tập đọc, trong đó, thay vì đọc những chữ cái hay những từ thì các bé chỉ tay vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác... để đọc. Theo đoạn clip ghi lại ở một lớp học, cô giáo dạy học sinh tiểu học đọc hai câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Tuy nhiên, thay vì viết bằng chữ lên bảng, cô giáo chỉ vào hai dòng gắn hình tròn ở trên bảng (trên 6 hình, dưới 8 hình) rồi học sinh đọc theo. "Mỗi một tiếng cô thay bằng một vật thật, mỗi một vật thật cô lại thay bằng một mô hình hình vuông. Hai câu ca này đã được ghi lại bằng các mô hình hình vuông", vừa giảng cô giáo vừa chỉ vào hai hàng hình vuông vẽ sẵn trên bảng (trên 6 hình, dưới 8 hình). Chia sẻ về cách học này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới) cho biết đây là cách dạy của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Theo GS Thuyết đây là cách dạy của GS. Đại đã đưa vào thực tế, thực nghiệm ở một số trường cách đây mấy chục năm chứ không phải mới. Cũng theo GS Minh Thuyết, ở mấy bài đầu, chủ trương của tác giả cuốn sách là học sinh sẽ học cách tách lời nói thành các tiếng, từ đó hiểu cách đọc lời thơ, chứ không phải là học chữ hay học đánh vần. Học sinh sẽ hình dung mỗi mô hình hình tam giác, hình vuông là khối chữ mà không đọc thừa, thiếu chữ.

Mới đây độc giả Hoàng Nguyễn Việt Tiến (Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ quan điểm cá nhân của mình tới VietNamNet xung quanh câu chuyện học đánh vần theo giải pháp Công nghệ Giáo dục. VietNamNet cho chúng ta biết ý kiến của vị phụ huynh này:

Đọc ô vuông, tam giác không phải là thay đổi chữ viết. Về video dạy trẻ em học bằng phương pháp đọc chữ “ô vuông, tam giác”, nhiều người không hiểu toàn diện vấn đề đã cho rằng: Đây là cách dạy lạ lùng, nước mình sắp thay đổi chữ viết, sắp chuyển từ “a bê xê” sang hình vuông, tam giác; sẽ mất chữ tiếng quốc ngữ truyền thống…

Xin thưa, mục đích của việc đếm ô vuông, tam giác là để đếm tiếng, học cách tách lời nói thành các tiếng, chứ chưa phải học cách đánh vần, học chữ. Học sinh sẽ được học chúng trong vòng vài tuần đầu, sau đó sẽ chuyển sang học bảng chữ cái như bình thường. Như vậy, sẽ không có chuyện dạy đếm hình thay các chữ cái truyền thống. Việc học này chỉ diễn ra giai đoạn đầu nhằm học cách đếm, tách tiếng.

Trên Facebook của Thanhtu Phan (một giáo viên văn PTTH ở huyện Quảng Điền) cũng nêu ý kiến về vấn đề này: Có mấy điều về sách CNGD đang sốt trên FACE và được nhiều người chia sẻ hiện nay là không đúng.

1. Hồ Ngọc Đại không liên quan gì đến công trình của Bùi Hiền, mà sách của HNĐ đã có từ 1979.

2. Không có chuyện gọi tam giá CQK là cờ cờ cờ, vẫn là cờ cu ca (âm cờ con chữ k, âm cờ con chữ q và âm cờ con chữ c), q và k đọc là cờ trong quy tắc ghép vần.

3. Không có chuyện đánh vần tròn vuông tam giác, mà ông Đại muốn cho học sinh phân biệt lời nói và tiếng, ví dụ từ quê hương gồm 2 tiếng, tương ứng là 2 hình vuông, chứ đó không phải là cách đánh vần như mọi người nghĩ
(bản thân mình thì vẫn thích cách học như ngày xưa mình được dạy hơn sách CNGD, khen hay chê là quyền của mọi người nhưng cũng phải trên cơ sở hiểu rõ vấn đề).

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay dạy đọc kiểu ngữ âm chỉ là một trong 3 phương pháp chính để dạy đọc cho trẻ mới bắt đầu. Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đang dùng phương pháp dạy đọc mới so với cách truyền thống, tuyệt nhiên không thay đổi hệ thống ký tự, chữ viết. Do đó, giảng viên này cho rằng những ai công kích GS Đại đang phá hoại tiếng Việt là không đúng.

Mặt khác, theo cô Huyền, nhiều người đã hiểu nhầm khi đánh đồng cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại với việc cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền. Thực tế, PGS.TS Bùi Hiền muốn cải tiến chữ viết, trong khi GS Đại chỉ đưa ra phương pháp đánh vần khác với cách truyền thống. Hai việc này hoàn toàn khác nhau.

Bạn đọc Duy Lâm cho rằng hình thức phân biệt tiếng trong câu bằng cách đọc theo hình vuông, hình tròn là bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 theo phương pháp này. Nếu tìm đọc sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, phụ huynh sẽ dễ dàng nhận thấy đây là bài học đầu tiên tách lời thành tiếng.

Các ô vuông tượng trưng cho số tiếng phát ra khi đọc một câu. Khi trẻ chưa tiếp xúc chữ cái thì việc dùng các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng là cách đơn giản, tránh gây nhầm lẫn cho trẻ. Dĩ nhiên, các hình vuông, tròn không đại diện cho chữ.

Thực ra phương pháp đọc theo mô hình ô vuông, hình tròn trên thực tế đã được áp dụng từ rất lâu ở các quốc gia khác trong Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Phương pháp dạy của GS. Hồ Ngọc Đại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới - Trong cơn bão dư luận nhắm tới phương pháp dạy đánh vần vuông tròn, một số người dùng mạng xã hội lan truyền các hình ảnh và đoạn video dạy đánh vần được cho là theo cách dạy này gây phẫn nộ.

 

Phương pháp dạy của GS. Hồ Ngọc Đại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: F.B

 

Ngày 7/9, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với một số thầy cô giáo tiểu học tại Malaysia và Singapore về phương pháp này. “Bản chất của phương pháp là âm tiết, không phải ghép vần” Bà Lee Cheo Yeng, cựu hiệu trưởng một hệ thống trường liên cấp mẫu giáo và tiểu học tại Selangor cho biết sử dụng các ô vuông hoặc khuy tròn là phương pháp đếm số âm tiết (counting syllables), không phải ghép vần (spelling) đã được áp dụng tại Malaysia từ những năm 2000. “Tại Malaysia – một quốc gia yêu cầu học sinh phải học 3 ngôn ngữ từ bậc tiểu học, việc dạy trẻ đếm âm tiết là bước đệm rất quan trọng trước khi làm quen với mặt chữ. Hơn nữa, các ô vuông, khuy tròn màu sắc còn giúp trẻ học đếm số, nhận biết hình học hiệu quả”, bà Lee chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội tại Việt Nam tràn lan những đoạn clip diễn giải sai phương pháp này, gây hiểu lầm và hoang mang cho các phụ huynh có con em chuẩn bị vào bậc tiểu học.

Tại Singapore, nơi giảng dạy tiếng Anh là ngôn ngữ chính, phương pháp sử dụng các ô vuông, khuy tròn, que tính hoặc tiếng vỗ tay để đếm âm tiết là vô cùng phổ biến. Trao đổi với PV ĐS&PL, cô giáo Lew Yong tại hệ thống trường mầm non MindChamp tại đây chia sẻ đây là hoạt động ngoại khóa ở trường, giúp trẻ làm quen với âm tiết trước khi bắt đầu bậc tiểu học

Từ khóa “counting syllables” trên Google có hơn 14 triệu kết quả với các trang web chuyên biệt, hướng dẫn cách đếm âm tiết và đánh dấu số ô vuông. Những ví dụ và mẫu thẻ đếm âm tiết cũng là mặt hàng được nhiều phụ huynh nước ngoài ưa chuộng để mua cho con em.

Một mẫu thẻ trò chơi yêu cầu trẻ sử dụng khuy tròn để đánh dấu số âm tiết trong mỗi từ - Ảnh: thisreadingmama

 

Theo GS Hồ Ngọc Đại (chủ biên cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục) chia sẻ trên báo chí rằng một số người chưa hiểu biết nên mới phê phán phương pháp dạy cũng như sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của ông.

 

                             Bản in của sách Giáo dục Công nghệ năm 1987

Theo ông, phương pháp dạy của ông đã được thực hiện từ những năm 1978 tại trường Thực Nghiệm và sau đó, hàng chục địa phương đã tiến hành dạy theo sách này với khoảng 800.000 (con số chưa chính xác) học sinh theo học. "Tôi không chấp những người không hiểu biết và không để ý, xem các ý kiến trên mạng. Tôi cũng không buồn bực hay tức giận và cho rằng, ý kiến của mọi người, phụ huynh là tự nhiên, tất yếu", GS Đại cho biết. GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh, việc một số người gán ghép phương pháp dạy học sinh tập đọc của ông với cải tiến chữ Tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là không chính xác và những người nêu ra như vậy thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết. Ở đây giữa tôi và ông Bùi Hiền là hai vấn đề, tư duy hoàn toàn khác nhau nên không thể bằng sự thiếu hiểu biết của mình mà lại gán ghép vào như vậy.

Để khẳng định tính đúng đắn và khoa học cần trao đổi phản biện là hết sức cần thiết; việc tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới là đáng ghi nhận, tuy nhiên, đừng chạy theo tâm lý đám đông, thiếu suy xét, chưa nghiên cứu kỹ mà vội quy kết, chụp mũ, phê phán, mạ lỵ làm tổn thương người khác, nhất là một nhà giáo suốt đời vì sự nghiệp giáo dục như GS Hồ Ngọc Đại e rằng sẽ là một việc làm thiếu công tâm và tinh thần trách nhiệm.

                              THUẬN HOÁ