Bài học đoàn kết lương – giáo ở Quỳnh Lưu, Nghệ An

Đã gần một tháng nay CA tỉnh Nghệ an đã phải cử hàng trăm cán bộ chiến sỹ đến Quỳnh Lưu thường trực bảo vệ nhân dân. Nghe đâu, đến hôm nay mới rút quân sau khi đã làm dân vận.

giao-dan-phan-doi

Hành động của một giáo dân thể hiện sự bất bình tột độ

Lực lượng Công an Nghệ An triển khai quân tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu sau khi vào các ngày 28, 30, 31/5/2017 địa phương này liên tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa lương dân và giáo dân gây phức tạp về an ninh, trật tự. Một số nơi lương dân bất bình vì cuộc sống bị xáo trộn đã căng biểu ngữ tẩy chay linh mục quản xứ Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam. Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và lương dân đã biểu tình phản đối chức sắc nhà thờ và giáo dân cực đoan. Lương dân dựng kẻng báo động mỗi khi có biến, tẩy chay cả hàng hóa giáo dân làm ra, không thuê mướn lao động ngư nghiệp giáo dân làm việc…

Nguy cơ xung đột lương – giáo thường trực khiến linh mục Quản xứ nơi đây là ông Nguyễn Đình Thục và nhiều bà con giáo dân từ quá khích trước đây đã phải kêu gọi chính quyền giúp đỡ. Công an tỉnh Nghệ An đã phải cử cán bộ chiến sỹ đến Sơn Hải, Quỳnh Lưu lần này không phải để ngăn giáo dân quá khích mà là để ngăn lương dân quá khích.

Diễn biến xấu khiến chúng ta phải nhắc lại những bài học lịch sử xương máu trong quan hệ lương – giáo của Giáo phận Vinh nói chung và Quỳnh Lưu nói riêng để cảnh báo.

1. Bài học trong phong trào tự phát “Bình Tây, sát tả” thời phong kiến nhà Nguyễn.

Mặc dù đã có chính sách bài trừ Công giáo khốc liệt dưới thời Tự Đức nhưng Triều đình đã thất thủ trước sức mạnh của thực dân Pháp. Khi phong trào Văn Thân nổi lên, dưới sức ép của thực dân Pháp, Triều đình nhà Nguyễn đã ban lệnh cấm. Bất chấp lệnh cấm của Triều đình, Phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây- Sát Tả” tức là “đánh Pháp, diệt đạo” vì cho rằng Công giáo làm nội gián, tiếp tay cho Pháp xâm lược vẫn nổ ra ở Nghệ Tĩnh vào năm 1874.

Hành động cực đoan, diệt đạo Công giáo của Văn Thân có nguyên nhân từ hoạt động làm tay sai cho Pháp của một số cha cố đã gây cho Giáo phận Nam Đàng Ngoài (tức giáo phận Vinh hiện nay) những tổn thất hết sức nặng nề. Đã có hơn 4.500 giáo dân bị giết chết và 300 họ đạo bị san phẳng. Trong đó có tám làng giáo dân hoàn toàn bị giết chết hoặc bị chết đói vì giao tranh tự vệ. Số giáo dân không nhà cửa mà địa phận Vinh và Hà Nội phải cấp dưỡng là 30.000 người.

Triều đình nhà Nguyễn coi phong trào Văn Thân “ Bình Tây – Sát Tả” là phiến loạn và đưa quân Triều đình ra đánh dẹp để chấm dứt cuộc tàn sát Công giáo quy mô lớn, tàn khốc. Nhưng, khi dập được ngọn lửa cuồng nộ, ngôi nhà đã thành đống than! Mưu toan làm chính trị núp bóng tôn giáo của các linh mục đã có kết cục đau thương cho bản thân lẫn cộng đoàn Thiên chúa giáo địa phương.

Phong trào Văn Thân cách đây gần 200 năm vẫn còn dư âm trong những cuộc tranh luận của giới học thuật và cả trong giáo giới. Dù đứng ở phương diện nào, những cái chết của người dân – tín đồ vô tội hứng chịu là do giới chính trị cực đoan gây ra.

Thắng lợi hay thất bại của giới chính trị cực đoan đều dẫn đến kết cục là sự thất bại của nhân dân! Sau Văn Thân, phải mất hàng chục năm vùng giáo mới gượng dậy được, lương – giáo mới an yên.

2. Bạo loạn Quỳnh Lưu năm 1956

Chính sách quá tả và mất kiểm soát trong cải cách ruộng đất những năm 1955, 1956 đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, khiến Chính phủ phải công khai xin lỗi nhân dân, tiến hành công cuộc “Sửa sai”.

Lợi dụng tình hình đó, những phần tử phản động đội lốt tôn giáo đã xuyên tạc chủ trương sửa sai, kích động giáo dân gây bạo loạn ở Quỳnh Lưu. Hàng vạn giáo dân từ Quảng Bình, Hà Tĩnh kéo ra, từ Thanh Hóa vào đã tụ tập ở nhà thờ Quỳnh Yên để đối đầu với chính quyền. Sẵn sự bất bình vì những bất công trong cải cách ruộng đất của dân chúng, những linh mục cực đoan đã âm mưu vũ trang cướp chính quyền.

Bắt đầu từ chiều ngày 9/11/1956, hàng ngàn người đã kéo ra đường quốc lộ để chặn xe Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến đưa thư phản đối.

Ngày 10/11/1956, gần một vạn tín đồ đã mở đại hội tại xã Cẩm Trường để bàn thảo về ngày thứ Bảỵ chống cộng. Chính quyền đã điều động 2 đại đội chủ lực và một đại đội Công an võ trang huyện Diễn Châu về xã Cẩm Trường để giải tán đại hội, bạo động đã xảy ra. Dân chúng đã bao vây bộ đội, công an buộc chính quyền phải đưa thêm 2 trung đoàn về đối phó với một vạn giáo dân tụ tập tại xã Cẩm Trường.

Sáng ngày 11/11/56, nhà thờ rung chuông, đánh trống, gõ mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu. Gần 30.000 giáo dân dưới sự dẫn dắt của các linh mục kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn bộ đội chính quy (không có vũ trang) của quân đội. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá nhanh, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên.

Chính quyền đã yêu cầu Giáo hội can thiệp, khuyên giải giáo dân nhưng Giám mục Trần Hữu Ðức từ chối hợp tác.

Ðêm 11 rạng ngay 12/11/1956, một số tự vệ công giáo tổ chức biểu tình ở Quỳnh Lưu để yểm trợ cho Cẩm Trường, Diễn Châụ. Cùng lúc, hơn 3000 thanh niên công giáo các xã Do Xuyên, Ba Làng và Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) đã kéo vào yểm trợ.

Rạng ngày 13/11/1956, một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hàng vạn tín đồ tỉnh Nghệ An đã diễn ra. Cuộc biểu tình đã tuần hành về Ty công an Ngệ An, hô to những khẩu hiệu quyết tâm chống cộng sản. Dân chúng tràn vào Ty công an, xé cờ đỏ sao vàng, đạp lên ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu họ khiêu khích, bắt giữ tổ công tác sửa sai của trung đoàn 269 Quân khu 4, giam họ trong nhà thờ Quỳnh Yên, định thủ tiêu. Chính quyền đã nhiều lần giải thích, thuyết phục, nhưng họ vẫn không chịu trả tự do cho tổ công tác mà còn huy động hàng nghìn giáo dân từ các hướng: Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên, Nghi Lộc, Diễn Châu tập trung ở thị trấn Cầu Giát gây bạo loạn đập phá các cơ quan, cửa hàng và kho thóc của huyện Quỳnh Lưu.

Sau một tuần thuyết phục không hiệu quả, trung đoàn 93 tổ chức tập kích nhà thờ, đột nhập thẳng vào nơi giam giữ, giải thoát tổ công tác, bắt giữ một số tên phản động cầm đầu giao cho chính quyền khu 4 xử lý. Trong đó có Linh mục Hậu và Linh mục Ðôn của 2 xứ Cẩm Trường và Song Ngọc.

Cuộc bạo động đã bị dập tắt nhưng hậu quả của nó đã chia rẽ sâu sắc lương – giáo, giáo hội với chính quyền mà phải mất nhiều năm dân vận gian khổ mới khôi phục được cuộc sống bình thường. Cơ hội yên ổn để làm ăn của dân lành một lần nữa bị chậm lại.

Từ đó đến nay đã 60 năm trải qua chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước và hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc lương – giáo đã đoàn kết một lòng, con em họ đã lớp lớp tình nguyện lên đường chiến đấu. Trên mặt trận xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, trãi qua nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những thành quả tốt, đời sống mọi mặt của nhân dân lương – giáo được nâng lên rõ rệt. Nhiều giáo xứ đã thực sự “tốt đời, đẹp đạo”.

3. Bài học Quỳnh Lưu ngày nay.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 16 giáo xứ và 35 giáo họ với hơn 8.500 hộ giáo dân, sinh sống ở 51 khu dân cư thuộc 15 xã, thị trấn. Hầu hết các giáo xứ bình yên, với sự giúp đỡ của chính quyền, giáo dân chăm chỉ làm ăn, chăm lo hành đạo, đời sống vật chất, tinh thần phong phú.

Các giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy, giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải (điểm nóng bây giờ) phát triển nghề khai thác, chế biến hải sản, có trên 200 ha nuôi ngao đã tạo thêm việc làm, thu nhập thường xuyên. Nhiều cá nhân được vay các nguồn vốn để mở ngành nghề, đi xuất khẩu lao động đã giúp gia đình thoát nghèo, tiếp tục tạo nguồn vốn phát triển sản xuất.

Những câu chuyện về việc hỗ trợ nhau khi vươn khởi đánh bắt xa bờ, khi gặp thử thách giữa muôn trùng khơi xa, sẻ chia, động viên cả về vật chất và tinh thần khi hoạn nạn, giúp nhau chuyện học hành của con trẻ… thật cảm động. Giữa họ, không có sự phân biệt lương – giáo mà chỉ có niềm tin và lòng yêu thương, sẻ chia của những người đồng hương.

Vậy mà tìn hình quan hệ lương dân – giáo dân ở một số Giáo xứ thuộc huyện Quỳnh Lưu đang xấu đi, thậm chí trở thành điểm nóng như ở Mành Sơn, Văn Thai hôm nay. Dưới sự đạo diễn của Linh mục Nguyễn Đình Thục ở giáo xứ Song Ngọc, Đặng Hữu Nam ở giáo xứ Phú Yên lợi dụng sự cố Formosa để kích động một trào lưu chống đối, dẫn dắt con chiên của mình giẫm lên những vết chân lịch sử đẩm máu.

Họ câu kết với tàn dư “cờ vàng” lưu vong và các thế lực thù nghịch với Việt Nam ở nước ngoài, bọn cơ hội ở bên trong để gây bất ổn chính trị trong nước. gây bất ổn xã hội, cản trở việc làm ăn của dân chúng. Chính họ đã châm ngòi cho phong trào lương dân chống Công giáo ở Quỳnh Lưu bùng dậy.

Nguy cơ xung đột lương – giáo hiện hữu đã buộc chính quyền phải huy động lực lượng vũ trang cản ngăn, vận động lương dân hạ hỏa. Trái ngược với những gì trước đây cản ngăn giáo dân gây gổ.

Giáo hội Vinh, những linh mục cực đoan nếu thực lòng với dân chủ, nhân quyền như những gì họ đã nói thì nên dừng lại, bài học lịch sử hãy còn đó.