BỆNH ... PHẢN ĐỐI

Bất kỳ một ý kiến đề xuất nào đưa ra chỉ cần nó xuất hiện trên mạng xã hội với những nội dung không đầu không đuôi thì ngay lập tức không ít người như nắm than nóng trong tay liền phản đối. Dường như phản đối nó thấm vào máu, thành thứ bệnh nan y.

"Phản đối" mọi thứ bất chấp lý lẽ!

Việc đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tại phiên họp thảo luận về Dự luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam đưa ra ý kiến đề xuất Nhà nước nên tổ chức thu lệ phí khi người dân xuất cảnh ra nước ngoài từ 3 đến 5 USD (gọi là “phí chia tay”). Thế là cả cộng đồng mạng như lên đồng, người ta dồn dập các ý kiến phản đối ý kiến trên, thậm chí xúc phạm cả danh dự, nhân phẩm cá nhân và gia đình của đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng. Hầu hết là các ý kiến phản đối nhưng lại không hề thấy được một lý do phân tích, đưa ra các luận điểm, dẫn chứng thật sự khoa học thay vào đó chỉ là những lời lẽ a dua, a tòng thóa mạ theo kiểu “tát nước theo mưa”.

Nực cười có nhiều người phản đối chỉ vì sợ “số tiền thu “phí chia tay” trên sẽ rơi vào các quan tham hoặc thậm chí đổ lên đầu đại biểu Nguyễn Quốc Hưng họ chửi ông sở dĩ đưa ý kiến trên để bòn rút, tham ô. Thực sự những người này họ không có sự hiểu biết hay cố tình không hiểu biết khi nhận định một cách chủ quan, ấu trĩ như vậy. Trước hết, đây mới chỉ là một ý tưởng được đưa ra trên cơ sở tham khảo mô hình từ nhiều nước trong đó có Nhật Bản vừa mới thông qua quy định du khách khi rời khỏi Nhật Bản thì phải nộp số tiền 1000 yên (200.000 đồng) theo đó mỗi năm người Nhật cũng thu được hơn 50 tỷ yên,... Ý tưởng đưa ra không phải là mặc định nó được đưa vào nội dung văn bản pháp luật mà phải được thảo luận, nghiên cứu kỹ, nếu nó phù hợp thì Quốc hội áp dụng còn không thì được bảo lưu. Trường hợp này, ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng mới dừng lại ở một ý tưởng mà thôi, hơn nữa Quốc hội là một tập thể ưu tú những người đại diện cho nhân dân, hoạt động có nguyên tắc, khoa học chứ đâu phải của riêng một người để áp đặt ý kiến của mình.

Giả sử trường hợp ý tưởng trên được áp dụng vào văn bản pháp luật (Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh) thì phải suy nghĩ đến mục đích của việc thu lệ phí là gì? Là tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ đời sống xã hội, của nhân dân. Hình thức thu như thế nào? tất nhiên là thu qua hệ thống cơ quan tài chính của Nhà nước, không phải người nào đề xuất ý kiến sẽ là người được tham gia hoặc quản lý việc thu lệ phí. Bản thân đại biểu Nguyễn Quốc Hưng liệu có cánh tay nào dài để “bòn rút”?

Có ý kiến cho rằng hiện nay dân mình còn nghèo, thu nhập còn thấp không nên đặt ra quá nhiều thứ phí để thu. Việc thu “phí chia tay” áp dụng cho những người xuất cảnh tức là đi ra khỏi Việt Nam để đến với quốc gia, vùng lãnh thổ khác chứ không phải là thu tất cả dân số Việt Nam. Nếu viện lý do “nghèo” thì thử hỏi họ lấy tiền đâu để xuất cảnh? Tất nhiên, nêu ý tưởng trên được đưa vào thực tiễn thì Nhà nước sẽ có quy định về miễn, giảm đối với các mục đích xuất cảnh, hoàn cảnh, thành phần xã hội,... Đồng thời nếu được nên áp dụng thu “phí chia tay” đối với người nước ngoài khi rời khỏi Việt Nam.

Căn bệnh “phản đối” nó làm cho con người mất đi lý trí, những kiến thức cơ bản về các mặt đời sống xã hội cũng không thể thắng nổi cái tôi, sự cá nhân. Xin lấy ví dụ: Liên quan đến dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, trong khi đa số cử tri đều đồng tình ủng hộ dự án trên, mong muốn tạo ra sự thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Thế nhưng một số người là cán bộ hưu trí số VNS, trí thức, những người lao động bình thường, ... tin tưởng tuyệt đối ở mạng xã hội 100%, lại sẵn trong người tư tưởng bài Tàu cộng với sự hà hơi tiếp sức, kích động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại lên tiếng đi ngược lại với xu thế chung chỉ vì lo ... nhà thầu Trung Quốc.

Trong thời đại kinh tế thị trường mở cửa, quốc tế hóa chúng ta không có quyền ngăn cản nhà thầu Trung Quốc tham gia, ngược lại Việt Nam phải tạo điều kiện để tất cả các nhà thầu trong và ngoài nước, không kể quốc tịch đều được bình đẳng tham gia đấu thầu, thi công khi trúng thầu. Ta lấy quyền gì để ngăn cấm doanh nghiệp Trung Quốc không được tham gia, nếu họ đưa ra giá thành, thiết kế hợp lý so với các doanh nghiệp khác thì họ trúng thầu. Không thể làm ăn với tư tưởng tiểu nông, “làm ăn tùy tiện” trong xu thế chung và quy định của sân chơi lớn hơn ... làm ăn quốc tế.

Tất nhiên, thực tế cũng cho thấy những yếu kém, hạn chế của các công trình do phía Trung Quốc thi công về chất lượng, chậm tiến độ, đội vốn, du nhập thiết bị lạc hậu,... Đồng thời ở các nhà thầu quốc tế khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, không phải là hiếm bởi họ là dân kinh doanh, phải làm những gì để sinh lợi nhuận.Điều quan trọng là chủ đầu tư Việt Nam phải tỉnh táo khi mời thầu, phải tìm hiểu kỹ về năng lực của đối tác, cam kết thực hiện đúng tiến độ, chất lượng,.. nâng cao vai trò, uy lực của chủ đầu tư đối với các nhà thầu nhất là đối với phía Trung Quốc, buộc phải sử dụng lao động tại chổ, hạn chế đưa nhân công từ nước họ sang làm việc,... Dù có là thầu Trung Quốc hay không cũng không quan trọng.

Sở dĩ căn bệnh “phản đối” được sinh ra là do những người này thiếu am hiểu sự việc, hiện tượng, thiếu kiến thức xã hội, kỹ thuật, tiếp thu thông tin một chiều, phiến diện, không có kỹ năng tiếp nhận, chọn lọc và kiểm chứng thông tin đa số chỉ qua truyền miệng, mạng xã hội, từ báo đài chống Cộng cắt xén, diễn giải xuyên tạc. Thêm vào đó là cái tôi, thích thể hiện bản thân, thích bàn luận chính trị, thói đố kỵ, a dua a tòng, suy nghĩ nông cạn, “lấy ngọn quên gốc” của nhiều người trong đó đa số là cán bộ hưu trí, VNS, trí thức phức tạp, thành phần  bất mãn. Tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thể hiện của Việt Nam hiện tại đã đưa từ sự phản biện, góp ý xây dựng biến tướng, méo mó thành sự phản đối  tự động mà không phải lo sợ sự trừng trị của pháp luật Nhà nước. Sự tiếp tay, kích động của các thế lực thù địch trong âm mưu “diễn biến hòa bình “ tại Việt Nam, cụ thể là can thiệp vào công tác lập pháp, phát triển kinh tế, xã hội, phá hoại sự ổn định của đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam. Trong đó, lấy sự yếu kém của người dân, tâm lý đám đông khi sử dụng mạng xã hội làm công cụ, phương tiện để xuyên tạc sự thật, kích động các ý kiến trái chiều, tạo nên thói quen nghi ngờ dần dần tạo ra làn sóng phản đối của người dân đối với các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triệt hạ uy tín của hệ thống chính trị, uy tín cán bộ, đảng viên trong quần chúng nhân dân.

Xã hội không thể phát triển đi lên nếu ở đó mọi hoạt động đều bị phản đối, xã hội đó chỉ càng ngày thêm kiệt quệ, dân tộc đó mãi đớn hèn, lạc hậu.

MINH ANH