BĂN KHOĂN MÙA TỰU TRƯỜNG

Nhiều năm trở lại đây, cùng với niềm vui háo hức hồn nhiên của con trẻ trong  mùa tựu trường là những bộn bề ngược xuôi việc “chạy trường, chạy lớp” của không ít phụ huynh có con em trong độ tuổi đi học. Nghe nhiều, thấy nhiều nhưng chỉ đến năm nay vì hoàn cảnh gia đình phải chuyển chỗ ở và chuyển trường cho con thì tôi mới hiểu cái gọi là cơ chế hiện nay của thực trạng đó ở một số việc, một số nơi ấy như thế nào? Vậy cơ chế ở đâu ra? Và thực sự của cơ chế ấy là gì?

Trong khi Đảng và Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chủ trương, nhiều đề án,…nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, rồi nâng cao khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu” với nhiều chính sách quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là  Quyết định 88/2001/NĐ-CP, ngày 22/11/2011 của Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở THCS; Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9/02/2010 của Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 thì việc mọc ra cái “cơ chế” chạy trường, chạy lớp là hết sức mâu thuẫn và ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng nó lại có sự “phát triển” và ngày càng trở nên khá phổ biến ở nhiều cấp học, nhiều địa phương, nào là ở  đô thị loại 1, loại 2,  rồi nông thôn và cứ đà này thì có nguy cơ lây lan ngay cả ở vùng sâu vùng xa - ở nơi mà việc “gánh chữ lên bản” còn khó khăn.

Vậy nguyên nhân của thực trạng trên ở đâu ra. Có nhiều lý do, nhưng theo tôi là  ngay chính trong nhận thức, trong tư duy bao bọc con cái của các bậc làm cha làm mẹ hiện nay.

Nếu như trước đây kinh tế còn nghèo phải lo đến miếng cơm manh áo hàng ngày nên việc tìm cái chữ là vô cùng khó khăn,… Người học thời ấy học với niềm say mê khát khao, tranh thủ từng giây từng phút, học bằng nghị lực vượt qua nghịch cảnh nghèo đói, như tấm gương của Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Ngọc Ký và biết bao tấm gương khác nữa,… thì tâm lý của không ít những phụ huynh hiện nay muốn con em mình phải vào được trường điểm, trường chuẩn để đảm bảo cho con em những điều kiện tốt nhất có thể và cứ thế việc vượt tuyến, việc “cơ chế” bắt đầu manh nha ở ngay chính từ phụ huynh.

Khi một hiện tượng trở thành trào lưu thì kéo theo đó là những dư luận, những tin đồn lan truyền thổi tai nhau và vô hình dung chính phụ huynh là người “đầu cơ” cho “cơ chế” ấy phát triển.

Đang lo lắng chuyển nhà, tôi có tìm hiểu việc chuyển trường cho con. Gặp nhiều người thân quen, ai cũng dự báo những khó khăn về chuyện vượt tuyến, về chuyện chọn lớp, chọn trường ngay cả những tư vấn cho vấn đề “đầu tiên”, …Chỉ nghe thôi đã thấy sặc “mùi” tiêu cực và tôi đã chuẩn bị tâm thế cho những dự báo khó khăn đó. Thế nhưng khi tiếp cận theo đúng quy trình, đúng thứ tự, đúng người, đúng việc thì việc chuyển trường của con tôi lại đơn giản và thuận lợi, được sự đón nhận tận tình chu đáo cả từ hai phía (nơi đi và nơi nhận) chứ không phải như nhiều người từng nghĩ. Thế mới biết được cơ chế nảy sinh từ đâu và từ ai.

Chính sự tác động của cơ chế thị trường, của các nguyên nhân khách quan nêu trên đã “gieo mầm” cho những lỗ hổng trong công tác quản lý, công tác tổ chức và thậm chí ngay cả trong sự “xoáy” theo cơ chế của không ít những cán bộ, lãnh đạo, giáo viên ở một số trường, một số địa phương làm nảy sinh cơ chế chạy trường, chạy lớp,… và họ bị xoáy theo cơ chế đó một cách hiển nhiên bình thường. Thiết nghĩ, nếu ở bất cứ đâu, bất cứ ai cũng “hòa” theo thì không biết chừng cơ chế ấy sẽ trở thành một căn bệnh xã hội tự hình thành, tự phát triển.

Trước những băn khoăn, trăn trở ngày tựu trường của bản thân, đôi dòng tâm sự để chúng ta cùng ngẫm nghĩ, cùng đề kháng và cùng tư duy trúng - đúng việc đến trường của con cái để tránh cái cảnh “rộn ràng” chạy trường, chạy lớp đầu năm học và điều quan trọng hơn là để các cháu luôn cảm nhận được rằng “mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui”.

Ngộ Duyên